Khu phố Tây tại trung tâm thành phố Huế trở thành phố đi bộ mang đậm phong cách Huế khi đèn đường bật sáng vào ba ngày cuối tuần.
Những ai đã từng hòa mình vào không khí của phố đi bộ về đêm tại các khu phố Tây ở TPHCM và Hà Nội sẽ dễ nhận thấy rằng điểm giống nhau của các khu phố đi bộ này là sự sôi động, đông đúc, thậm chí ồn ào quá mức với sự hiện diện của nhiều khách nước ngoài và trong nước. Vào thời gian cao điểm từ 22 giờ khua đến 2 giờ sáng, nhiều người vẫn thường thích đi chen chúc trong đám đông và rồi tìm cho mình một chỗ ngồi tại một quán trên vỉa hè trong khu phố đi bộ. Tuy nhiên, khu phố đi bộ ở Huế lại rất khác. Vào một buổi tối cuối tuần gần đây, tôi có dịp lang thang tại khu phố đi bộ này và cảm thấy không khí rất yên bình: du khách thong dong đi qua các con phố, thưởng thức âm nhạc và mua sắm. Tại đây, các du khách với đa số là khách châu Âu, Mỹ, vẫn tìm được cho mình những không gian thú vị.
Đa dạng dịch vụ ăn uống
Xuống và gửi xe tại đường Nguyễn Thái Học, du khách bắt đầu vào phố đi bộ vào cổng trên đường Võ Thị Sáu để khám phá điểm đến này. Khu vực bên trái gần cổng có ba nhà hàng với những phong cách phục vụ khác nhau. Được thiết kế theo phong cách trẻ trung, nhà hàng Tavet là nơi tập trung nhiều khách Tây và Việt Nam nhất. Nhà hàng phục vụ các món ăn bình dân của Huế và những cái bàn cho khách ngồi ăn được làm từ những chiếc thùng phuy. Hai quán ăn còn lại có tên Tokyo BBQ phục vụ các món ăn của xứ sở hoa anh đào và quán thuần Việt có tên “Cửa hàng mậu dịch số 17” với phong cách thời bao cấp ngày xưa.
Không xa cổng vào là ngã ba Võ Thị Sáu-Phạm Ngũ Lão và từ đây đến ngã tư Chu Văn An-Phạm Ngũ Lão là tuyến đường chính của khu phố đi bộ với nhiều cửa hàng ăn uống, thời trang, mua sắm. Nếu khách du lịch muốn tìm một nơi lịch sự để thưởng thức các món ăn thì có thể ghé nhà hàng Sunlight. Những ai thích không khí miền viễn Tây nước Mỹ thì ghé Why Not? còn Jalapeno dành cho những ai thích phong cách La Tinh. Trong số các nhà hàng tại đây, Hue Sports Bar thu hút khá nhiều những thanh niên người nước ngoài. The Army với mô hình đầu đạn ngay cổng chính và trang trí giống doanh trại quân đội là nơi dành cho những thực khách muốn trải nghiệm cách phục vụ trong quân nhân.
Âm nhạc đường phố
Dọc tuyến đường Phạm Ngũ Lão này cũng có một số điểm khá thú vị. Đó là một nhóm bạn trẻ chơi các loại nhạc cụ khác nhau trên vỉa hè, trước mặt là cây đàn ghi-ta được dùng để đựng tiền tùy lòng hảo tâm của khán thính giả qua đường. Thỉnh thoảng, có một số bạn trẻ đứng chơi nhiều loại nhạc cụ ngay tại hai đầu ngã tư. Cũng ngay tại vị trí hai đầu ngã tư là những cửa hàng di động bán đồ lưu niệm với giá từ 50.000 đồng. Tại đây, du khách có thể tìm thấy các món ăn nhanh từ quầy thức ăn di động.
Có thể nói sau hơn một năm hình thành, phố đi bộ tại khu phố Tây ở Huế đã trở thành một địa điểm đến của nhiều du khách trong ngoài nước khi đến thành phố này. Tuy nhiên, nếu muốn phố đi bộ này thu hút nhiều khách du lịch hơn thì cần có thêm các sản phẩm, dịch vụ, những hoạt động giải trí có tổ chức. Hiện nay, tại phố đi bộ này, các nhà hàng, địa điểm thường không đông khách trong khoảng thời gian sau 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng.
Ba tuyến phố Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu của thành phố Huế, hay còn gọi là khu phố Tây, đã trở thành phố đi bộ vào buổi tối ba ngày cuối tuần được hơn một năm. Từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau, các phương tiện giao thông không được phép lưu thông trong khu phố này để nhường đường cho người đi bộ.
Các điểm giữ xe gần phố đi bộThành phố Huế có tổ chức bãi đậu xe miễn phí ở một số điểm gần khu phố đi bộ như bến thuyền Tòa Khâm, các đường Đội Cung, Nguyễn Thái Học, Hùng Vương, Lê Lợi... Khách du lịch có thể đậu xe qua đêm miễn phí. Một số bãi đậu xe tư nhân thu phí 5.000 đồng/chiếc xe máy (đến 2 giờ sáng).
Nhân Tâm