NGUYỄN HUY -
Đến núi Cấm, ngay từ trên đường cái quan, nhìn hàng quán hai bên đường kéo dài đến chân núi, du khách đã thấy hàng loạt những quán bánh xèo. Dọc triền núi đến đỉnh núi du khách cũng gặp quán ăn bán món bánh xèo.
Núi Cấm vốn nổi tiếng là một ngọn núi tâm linh trong dãy Thất Sơn huyền bí thuộc tỉnh An Giang. Hiện nay, núi Cấm đón nhiều du khách thập phương đến để thực hành tôn giáo hoặc nguyện cầu cho gia đình, cá nhân được an lạc. Dân cư sinh sống cũng nhiều, du khách đông không ngớt và nhiều dạng du lịch, ẩm thực ở mức độ “cây nhà lá vườn” vẫn tồn tại. Sự mộc mạc đơn sơ đó vô tình giữ lại được những nét chân phương cho ngọn núi thiêng. Trong vô số những thứ còn vương nét nhà quê đó, có món bánh xèo.
Bánh xèo ở đây được bán trong những hàng quán nhỏ, mái lợp tôn hoặc lá chứ không phải nhà hàng sang trọng kiểu bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh) vốn đã nổi tiếng. Bên cạnh những chiếc bàn có khi là gỗ, có khi là sắt lúc nào cũng có một tủ kính đựng rau xanh. Rau xanh chính là thứ tạo nên một sức hấp dẫn khó giải thích của món bánh xèo núi Cấm. Theo người địa phương, núi Cấm là “thánh địa” của những loại thuốc Nam. Đi đâu cũng thấy cây thuốc. Trong số đó nhiều thứ có thể ăn được như rau. Vì vậy, cư dân địa phương có thói quen dùng những loại thuốc từ cây cỏ này kết hợp thành món ăn để vừa phòng bệnh vừa bổ sung chất dinh dưỡng. Chiếc tủ kính đựng rau xanh trong quán bánh xèo núi Cấm có khi lên đến hơn 50 loại.
Trong đó, nhiều loại kể tên dễ liên tưởng đến các vị thuốc như kim thất, đinh lăng, mã đề và những thứ mà người thành thị khó mà biết đến như chắc lồi, đọt vối, ngành ngạch. Cái sự trị bệnh của các loại rau rừng núi Cấm đúng hay sai khoan hãy bàn sâu, chỉ biết là các loại lá tươi xanh này dùng rất ngon miệng. Có loại phảng phất vị đắng nhưng cái hậu ngọt, phù hợp để cuốn bánh xèo.
Nếu nói bánh xèo núi Cấm ngon chỉ vì rổ rau rừng là chưa đủ. Vỏ bánh xèo có một màu vàng như nghệ, thường khi mang ra đĩa rất nóng và rất giòn. Nhiều người cho rằng sở dĩ lớp vỏ thơm ngon vì bột được làm từ loại gạo ngon các vùng quê ở miền Tây Nam bộ. Lớp bột này được pha với nước cốt dừa nên thơm ngon đặc biệt. Bánh xèo mặn thì đậm đà với nhân tôm, thịt ba rọi, giá, đậu xanh. Bánh xèo chay đơn giản chỉ là giá, đậu xanh khoai môn. Dù là bánh mặn hay bánh chay khi được cuốn vào nhiều lớp rau rừng không tìm thấy ở nơi khác, chấm vào chén nước chấm đậm đà, thực khách đều hít hà thỏa mãn.
Vào những ngày lễ hay rằm, các quán bánh xèo đông khách đến mức người bán không kịp đếm tiền. Khi người viết bài này hỏi trò chuyện với một chủ quán bánh xèo, thì được biết bánh xèo chỉ có giá 10.000-15.000 đồng/cái nhưng sau một ngày bán tổng số tiền thu được gần 20 triệu đồng. Mỗi khách ăn ít thì một cái, nhiều thì vài ba cái, cứ làm một bài toán tính nhẩm thì biết có khoảng bao nhiêu khách đến mỗi ngày.
Theo dặn dò của một người đàn ông đứng tuổi, là một chủ quán bánh xèo ở đây, thực khách đến núi Cấm muốn ăn bánh xèo cũng nên cẩn trọng vì chất lượng khác nhau, giá cả cũng khác nhau. “Tốt nhất, khách lạ cứ kêu quán làm trước một cái, nếu thơm giòn thì gọi tiếp và ngược lại thì tính tiền, sang quán khác”, vị này nói.