Tiêu dùng - một trong 3 động lực tăng trưởng- đang bị suy yếu. Gỡ rào cho fintech không chỉ mở ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế mà còn kích thích cầu tiêu dùng tăng trở lại.
- Trưa nay ăn gì: Thanh ngọt Cranberry salad cho bữa trưa lành mạnh
- Phụng Sơn Tự, nét đẹp kiến trúc chùa cổ Nam bộ giữa lòng TPHCM
Cầu tiêu dùng suy yếu, “kích” bằng cách nào?
Tiêu dùng với quy mô tương đương khoảng 70% GDP đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Với cơ cấu dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh, cùng với xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế lớn, tầng lớp trung lưu tăng nhanh (10-12%/năm), nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, ước tăng 7,2-7,4%/năm. Mặc dù vậy, hiện tại, tiêu dùng đang tăng tăng chậm đáng lo ngại.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng tiêu dùng có xu hướng chậm lại. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng dưới 5%, so với mức trên 8% của nhiều tháng trước, dẫn đến mức đóng góp vào tăng trưởng của tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ hai năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiêu dùng chỉ đạt 2,68%, giảm so với mức tăng 6,06% của cùng kỳ năm 2022.
“Trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư chưa thể sớm khôi phục (như nêu trên), tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2023 cũng như các năm 2024 và 2025. Theo tính toán của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, tốc độ tăng tiêu dùng them 1% thì có thể sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 0,2%”, TS. Lực nhận định.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị cần có giải pháp kích cấu tiêu dùng nội địa, bao gồm cả khuyến khích cho vay tiêu dùng.
Thực tế, từ năm ngoái đến nay, kể từ khi các hoạt động ra quân trấn áp cho vay nặng lãi được triển khai, các doanh nghiệp cho vay được cấp phép (fintech, công ty tài chính...) cũng bị vạ lây, ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, hầu hết các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này đều thua lỗ hoặc sút giảm lợi nhuận. Riêng nhiều fintech cho vay phải sa thải 50% nhân sự, thu hẹp một nửa quy mô cho vay và nợ xấu đang tăng 30%. Các fintech cho vay khác cũng đang trong cảnh tương tự khi phải cắt giảm 30-50% nhân sự, thu hồi nợ xấu đi nhanh chóng, nhiều công ty phải cân nhắc việc đóng cửa, rời khỏi Việt Nam.
Tuy còn nhiều hạn chế, song không thể phủ nhận, thời gian qua, các công ty tài chính, chuỗi cầm đồ, các fintech cho vay đã bù đắp được khoảng trống tín dụng trên thị trường, giúp hàng triệu khách hàng dưới chuẩn tiếp cận được vốn tín dụng. Sự gia nhập thị trường của các tổ chức này cũng giúp hình thành thói quen vay tiêu dùng trong xã hội, từ đó kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khẩn trương mở hành lang pháp lý cho sandbox
Ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chỉ ra bất cập khi thị trường đang thiếu vắng các cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các sản phẩm tài chính mới.
Theo chuyên gia này, cần tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế với việc đưa ra nhiều định hướng và nỗ lực nhằm tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm có chủ trương, Nghị định vẫn chưa được ban hành.
Theo NHNN, tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống các tổ chức tín dụng là gần 2,68 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2022, chiếm 21,5% trong tổng tín dụng đối với nền kinh tế của toàn hệ thống (tương đương mức 21,6% cuối năm 2022 và cao hơn mức 19,9% cuối năm 2021). Con số này chưa tính đến dư nợ cho vay của các fintech cho vay (không nằm trong phạm vi quản lý của NHNN).
Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện…
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, không thể thiếu các doanh nghiệp cho vay phi ngân hàng. Các vấn đề cơ bản là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và người cho vay. Theo đó, cần xem xét việc xây dựng một bộ luật riêng cho hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Tuy vậy, thời gian qua, ngoại trừ các công ty tài chính tiêu dung, các doanh nghiệp cho vay khác gần như không được thừa nhận, đặc biệt là fintech. Điều này dẫn tới công tác thu hồi nợ của Fintech gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với báo Báo Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần khuyến khích mô hình tài chính tiêu dùng, bao gồm cả các fintech cho vay, chuỗi cầm đồ… Không nên chỉ coi 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tài chính tiêu dùng chính thống. Các fintech, các chuỗi cầm đồ cũng là tín dụng tiêu dùng hợp pháp. Tất nhiên, tạo hành lang pháp lý sao cho vừa tạo điều kiện phát triển, vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát chuẩn chỉnh không đơn giản, song đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ, công ty thu hồi nợ… nhằm uốn nắn kịp thời là rất cần thiết. Dù vậy, bên cạnh điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”, Bộ Công an cũng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cho vay hợp pháp hoạt động.
Bên cạnh việc bản thân các fintech, các doanh nghiệp cho vay phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, rà soát, đánh giá và cải thiện bộ máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ… thì Chính phủ cần sớm ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) để bảo vệ quyền lợi của cả bên đi vay lẫn bên cho vay. Đây cũng là dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Với cơ chế thử nghiệm cần vừa làm vừa hoàn thiện chính sách để từ đó tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc tích cực đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế này giúp Việt Nam phát huy tác động tích cực của các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực tài chính, kinh tế tuần hoàn, qua đó tạo thêm không gian và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Nhữ Thăng đề xuất.
Hoàng Hiếu