(SGTT) – Xuất thân từ một hộ gia đình nghèo khó ở Đồng Nai, anh Vũ Quốc Thịnh trải qua nhiều công việc để tìm kiếm cơ hội trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp như mong mỏi của cha. Sau nhiều nỗ lực, hiện anh đang là Bếp phó điều hành Mia resort 5 sao tại Nha Trang, Khánh Hòa.
- Đầu bếp Nguyễn Văn Cương: vẫn luôn đam mê dù nghề bếp là “làm dâu trăm họ”
- Hành trình từ “thợ đụng” trở thành đầu bếp chuyên nghiên cứu ẩm thực
- Làm bếp: Khi nghề chọn người!
Đầu bếp Vũ Quốc Thịnh (nick name: Thịnh Vũ) sinh năm 1981, quê ở Đồng Nai, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang. Với kinh nghiệm tích lũy hơn chục năm làm nghề, anh luôn mang đến sự mới lạ trong ẩm thực khi thực khách ghé thăm nơi anh làm việc. Mới đây, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện cùng anh trong lần vào TPHCM công tác.
SGTT: Anh có thể chia sẻ cơ duyên đến với nghề bếp, công việc tạo nên những món ăn ngon cho mọi người?
– Đầu bếp Thịnh Vũ: Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở Đồng Nai. Sau những biến cố xảy ra trong nhà, tôi phải mưu sinh bằng nhiều nghề như phụ hồ, in lụa, pha chế… Cho đến một ngày, tôi nghĩ người cha mình yêu thương là một đầu bếp. Nghề của ông nuôi sống cả gia đình nên tôi quyết tâm theo đuổi con đường trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Thành công có được ngày hôm nay như một món quà tôi dành tặng cho cha mình dù ông đã mất vì cơn bạo bệnh.
Lúc chập chững vào nghề, anh gặp những khó khăn gì? Động lực nào giúp anh vượt qua khó khăn đó?
Giai đoạn đầu khi theo đuổi nghề, tôi tưởng mình không thể trụ lại. Làm ở quán lớn thì người ta không nhận vì lúc đó còn nhỏ tuổi, không kỹ năng hay kinh nghiệm. Ở quán nhỏ thì xui rủi trúng ngay quán làm đến ba tháng vẫn không trả lương. Chưa kể, trong giai đoạn đầu, tôi không có ai hướng dẫn. Công việc thì loay hoay móc cống, nhặt rau. Những khi chán nản, tôi nhớ về cha, vì sao cha có thể làm đầu bếp và lo được cho gia đình, còn mình thì không. Nghĩ đến đó, ý chí trong tôi lại càng nung nấu mãnh liệt và như hôm nay tôi đã có vị trí nhất định trong gian bếp của một resort 5 sao tại Nha Trang.
Làm việc tại một resort 5 sao áp lực có khác như tại các nhà hàng, quán ăn nhỏ hơn không?
Trong resort hay nhà hàng đều có tính chất chung là phục vụ khách hàng những món ăn ngon và đặc biệt nhất. Cái khác biệt trong khu nghỉ dưỡng là họ tuân thủ theo quy trình cũng như công thức món ăn, từ cách trang trí đến chất lượng món ăn luôn đi theo đúng với chất lượng được duyệt từ ban đầu. Thêm nữa, quản lý nguồn hàng được nhập vào rất quan trọng, nguồn hàng không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo sẽ không được nhập vào vì ảnh hưởng đến trải nghiệm ẩm thực của thực khách.
Vì sao anh chọn làm bếp tại Nha Trang mà không phải là TPHCM hay quê hương Đồng Nai?
Đó là duyên số. Là 1 đầu bếp yêu thích du lịch cũng như khám phá nên tôi may mắn được đi khắp nơi, gặp gỡ, trải nghiệm cùng các đầu bếp cũng như người dân vùng miền. Khi đến Nha Trang, tôi cảm nhận người dân hiếu khách, bãi biển đẹp, món ăn vùng miền đặc sắc nên tôi gắn bó với nơi này.
Phong cách ẩm thực anh đang theo đuổi là gì?
Với tôi, các quốc gia đều có những nền văn hóa ẩm thực bản sắc riêng. Tôi chọn theo đuổi phong cách ẩm thực hiện đại, tìm hiểu, học hỏi những điểm hay trong các món ăn của họ. Từ đó, tạo nên dấu ấn cho món ăn mà thực khách dù mang quốc tịch gì cũng vẫn đón nhận trong sự hồ hởi, ngon miệng. Ngoài những món ăn dân dã do cha và mẹ nấu hồi nhỏ thì cơm Ý (Risotto) tôi rất tâm đắc bởi cách chế biến đặc sắc khi gạo nấu trong chính nước thịt cùng các loại gia vị của quốc gia này. Thành phẩm là món cơm có hạt gạo mềm, xốp được áo lớp sốt đậm vị.
Ngoài khó khăn, nghề đầu bếp ắt hẳn vẫn có những niềm vui phải không anh?
Với mỗi đầu bếp, niềm vui lớn nhất là sáng tạo ra được món mới và được chủ đầu tư cũng như thực khách đón nhận. Lời khen của thực khách cũng có thể bởi do món ăn ngon, cách bài trí bắt mắt hay đơn giản là hợp vị họ. Chính vì vậy, tôi luôn khuyên các bạn trẻ làm nghề phải chỉn chu từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến đến trang trí món ăn.
Thần tượng trong nghề bếp của anh là ai?
Mọi người có thể ngạc nhiên nhưng thần tượng nghề bếp mà tôi yêu quí nhất chính là người cha của mình. Ông không chỉ tạo ra những bữa cơm ngon trong gia đình mà chính nghề bếp của ông đã nuôi sống cả nhà. Nếu không có ông truyền cảm hứng, có lẽ tôi đang làm một công việc khác nào đó.
Hiện nay, nghề đầu bếp được nhiều bạn trẻ quan tâm, anh có lời khuyên nào dành cho họ?
Tôi thấy nghề đầu bếp hiện nhận được sự quan tâm của không chỉ bạn trẻ mà cả xã hội đã nhìn với ánh mắt thiện cảm và trân trọng hơn. Hình ảnh người đầu bếp ngày nay không chỉ là mặc áo bếp, người ám đầy mùi thức ăn. Đầu bếp ngày nay họ có thêm những kỹ năng mềm như tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp hay đứng lớp chia sẻ kinh nghiệm nghiệm quý báu trong nghề. Tôi vẫn có những chuyến công tác đến một số địa phương để chia sẻ chuyện nghề bếp. Tôi nghĩ không có bài học nào thực tế, hiệu quả nhất bằng chính kinh nghiệm của những người đi trước, đúc kết trong khoảng thời gian dài làm việc và chia sẻ đến người mới chập chững vào nghề.
Cảm ơn anh về những chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời!
Cột mốc công việc của đầu bếp Vũ Quốc Thịnh: Năm 2000, phụ bếp tại nhà Hàng ABC, TPHCM. Năm 2001, phụ bếp tại nhà hàng Hai Lúa, TPHCM. Năm 2002, phụ bếp tại quán hải sản Tân Sơn, TPHCM. Năm 2004, làm việc tại nhà hàng Phong Lan, TPHCM. Sau thời gian này, bắt đầu học và làm chuyên sâu tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đến nay.
Gia Hân