(SGTT) - Anh Mai Nguyễn Phước Tân, sinh năm 1986, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đang là Tổng bếp trưởng Nhà hàng Hải sản Hải Châu, thành phố Thủ Đức, TPHCM.
- Bếp trưởng Patson Massey mang ẩm thực Ấn Độ đến Canada
- Bếp trưởng sáng tạo 15 loại sốt dành cho người nội trợ
- Bếp trưởng trẻ tuổi Phạm Vũ Nguyên biến tấu ẩm thực Âu và Hoa cho món ăn Việt
“Gia đình tôi từng buôn bán, rồi mở quán ăn, nhưng ba mẹ không định hướng cho tôi phát triển theo con đường này. Sau đó, tôi chọn học chuyên ngành Quản trị nhà hàng tại Trường Trung cấp du lịch Sài Gòn. Vừa học vừa làm thêm, được tiếp xúc với môi trường bếp chuyên nghiệp nên tôi quyết tâm theo đuổi nghề bếp”, anh Tân mở đầu câu chuyện khi trao đổi cùng phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị
Những ngày đầu theo nghề bếp, anh phải đối diện với nhiều thử thách. Do bị cận thị, phải đeo kính khi làm việc nên điều này cũng là một trong những trở ngại khi đứng ở bếp nóng. Anh kể: "Mồ hôi nhễ nhại, cùng sức nóng từ bếp khiến mắt kính luôn bị mờ, tôi phải lau mồ hôi thường xuyên để làm việc".
Lúc chập chững vào nghề, anh cho biết sức khỏe mình rất hạn chế. Làm việc với cường độ dày đặc cùng áp lực những ngày đầu khiến anh cảm thấy rất nản. “Lúc mới làm, không ngày nào mà tôi không đứt tay, cứ làm là đứt tay, rồi thì chảy máu. Cộng thêm sức khỏe không tốt nên những ngày đầu đi làm rất mệt”, anh bày tỏ.
“Nhớ nhất là năm tết đầu tiên tôi không về nhà mà phải ở lại làm việc. Nghề bếp vốn không có thời gian vào những dịp lễ, chính những lúc này tôi lại càng bận rộn và tập trung làm nhiều hơn, có khi phải làm việc từ 8:00 - 22:00 tối mỗi ngày. Bây giờ tôi đã cân bằng rồi, chứ thời gian đầu thực sự rất tủi thân”, anh Tân tâm sự.
Đã từng bỏ nghề đến bốn lần, nhưng chính những lúc đó khiến anh nhận ra đam mê thực sự của mình dành cho nghề bếp. “Vất vả quá nên tôi tìm việc khác làm, nhưng làm công việc mới chưa được bao lâu thì tôi thấy nhớ nghề bếp. Tôi nhận ra rằng đây chính là con đường phù hợp và khiến tôi cảm thấy vui nhất khi làm việc”, anh chia sẻ.
Chinh phục thực khách qua những món hải sản
Mặc dù công việc hiện tại còn nhiều bận rộn, nhưng anh Tân cho biết bản thân luôn có điểm tựa vững chắc là gia đình. “Từ trước đến giờ, tôi có nhiều năng khiếu và đam mê trong lĩnh vực hải sản ba miền. Hơn nữa, thị trường ở TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển các món ăn hải sản, cũng chính điều đó mà tôi quyết tâm đầu tư và theo đuổi cho đến giờ”, anh Tâm hồ hởi.
Anh cho biết thêm, mặc dù làm việc có nhiều áp lực, đặc biệt khi đảm nhận vai trò tổng bếp trưởng nhưng ở vị trí này anh phải không ngừng sáng tạo, đặt trách nhiệm lên hàng đầu để tình cảm đồng nghiệp luôn tốt, để cùng tạo ra những món ăn ngon miệng cho thực khách.
Khó khăn, áp lực là vậy nhưng sự ghi nhận và lời khen của thực khách lại khiến bao mệt mỏi xua tan. Anh Tân kể, trong suốt hành trình chinh phục nghề bếp, một trong những món ăn anh cảm thấy tự hào nhất là món cua sốt Singapore. “Tôi có thế mạnh khi chế biến các loại sốt theo phong cách Singapore, sau đó, biến tấu lại theo khẩu vị của người Việt cho phù hợp. Riêng với món cua sốt Singapore, tôi dùng tôm khô để tạo vị đặc trưng mà không có ở bất kỳ đâu”, anh thông tin.
Theo anh Tân, dù ai đang chập chững đi đến con đường này hay đã gắn bó lâu năm thì cần có tình yêu với nghề để vượt qua những khó khăn. Không có nghề nào là dễ dàng, chỉ cần có niềm yêu thích, không ngừng học hỏi, đó sẽ là vũ khí lợi hại để chinh phục con đường trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, nấu được những món ăn ngon chiêu đãi thực khách.
Uyên Tâm