(SGTTO) – Mới đây trang Lonely Planet đã bình chọn Bhutan là điểm đến đáng ghé thăm năm 2020. Nằm giữa Ấn Độ và Tây Tạng, “rồng sấm” Bhutan được mệnh danh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Ngày Mùng 1 tết của người Bhutan trùng với lịch của nhiều nước châu Á và tết của người dân nơi trái tim dãy Himalaya diễn ra vô cùng đặc sắc. Người Bhutan gọi tết là Losar, trong đó lo có nghĩa là “mới” và sar là “năm”, theo tiếng Phạn. Xứ sở hạnh phúc tận hưởng lễ hội trọn vẹn 15 ngày, trong đó 3 ngày đầu tiên là quan trọng nhất với những nghi lễ, trò chơi dân gian và âm nhạc truyền thống. Lễ hội này cũng là một cơ hội để khách du lịch thưởng thức và tìm hiểu nhiều truyền thống văn hóa của người Bhutan.
Chưng cây mía, thực hiện lễ tịnh hóa
Khi năm mới đến, giống như hầu hết các quốc gia châu Á khác, người dân Bhutan bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ những đồ vật không sử dụng. Họ cùng nhau nấu những món ăn đặc biệt, cúng dường tại các ngôi đền có tên là Lama Losar. Trong thời gian này, người dân địa phương cũng ưa thích sắm sửa những món tài sản mới.
Đền và tu viện ở Bhutan dịp lễ được trang trí lộng lẫy, là nơi thực hiện các nghi lễ Puja. Lễ tịnh hoá Puja của phái Mật tông nhằm thanh tịnh tâm trí bằng những câu minh chú, sự tập trung vận dụng sức mạnh của chân lý Phật giáo. Puja còn có ý nghĩa khống chế các loài ma quỷ.
Người dân Bhutan sẽ dâng nhiều món ăn và trái cây lên bàn thờ tổ tiên để đáp đền công ơn và cầu mong năm mới tốt lành. Khi mặt trời mọc, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa sáng ấm cúng.
Những món ăn đậm tính dân tộc của Bhutan là gạo đỏ, các món hầm cho đến những món ngọt ngào như bánh quy chiên, mía thái hạt lựu và trái cây. Trong đức tin của người dân, mía và chuối xanh phải được trưng trong nhà dịp này vì chúng sẽ mang lại điều tốt lành trong năm mới.
Các lễ hội dịp Losar được tổ chức trên khắp đất nước và trong những bữa tiệc thường kèm theo nhảy múa và ca hát. Đây cũng là dịp các gia đình tham gia các hoạt động ngoài trời, dạo chơi trong trang phục truyền thống hoặc dã ngoại cùng nhau. Ngoài ra, ném phi tiêu và bắn cung cũng được chơi trong năm mới, trong đó bắn cung là môn thể thao quốc gia của Bhutan.
Những hoạt động thú vị khi đến Bhutan dịp này
Du khách có thể nghe mọi người nói câu “Tashi delek” trong sự kiện đặc biệt này vì đây là lời chào của người dân địa phương như một lời chúc cho một năm mới may mắn và thịnh vượng. Nếu đi du lịch Bhutan vào dịp Losar, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia một số hoạt động thú vị cùng với những cư dân đáng yêu.
Những “trái bóng” làm từ bột với những thứ đặc biệt bên trong là thứ du khách nên khám phá khi dạo chơi ở Bhutan. Nếu bên trong bóng là ớt, du khách đừng khó chịu vì nó sẽ mang ý nghĩa bạn là người hoạt ngôn vui vẻ. Bên trong có muối hoặc gạo nghĩa là bạn rất tốt bụng. Tuy nhiên, nếu vật này chứa than đen, đó là điều cảnh báo trái tim của người nhận đang có nhiều nỗi buồn. Và đây chỉ là một trò vui trong năm mới mà thôi.
Về ẩm thực tết, du khách có thể thử guthuk, một món gồm chín thành phần khác nhau: các loại ngũ cốc, phô mai khô, thịt tẩm đường, chuối xanh... Du khách cũng có thể dùng thử món jasha maru – thịt gà hầm, phaksha paa – thịt hầm cay, thịt bò khô Tây Tạng… cùng nhiều loại trà.
Đến thăm cố đô Punakha cách thủ đô Thimpu khoảng 72km, du khách sẽ thấy Punakha Dzong, một pháo đài đồ sộ ở ngã ba hai con sông Pho Chhu và Mo Chhu tượng trưng cho kiến trúc Phật giáo, được xây dựng từ năm 1637. Lễ hội Punakha là sự kiện quan trọng nhất trong tất cả các lễ hội Losar được tổ chức trên cả nước.
Những điệu nhảy của người Bhutan dịp lễ hội cũng là một điều du khách không nên bỏ qua. Có thể kể đến vũ điệu truyền thống joenpa legso, nghĩa đen là “chào mừng bạn”. Nó thường được biểu diễn để khai mạc bất kỳ sự kiện hoặc dịp đặc biệt nào. Trong khi biểu diễn, nam và nữ mặc trang phục truyền thống.
Bhutan còn có điệu nhảy pa pa, theo truyền thuyết là điệu nhảy của những powas (anh hùng) và pams (nữ anh hùng). Pa pa được coi là một trong những điệu nhảy lâu đời nhất ở Bhutan, bắt nguồn từ các vị thánh đầu tiên của Phật giáo. Điều kỳ lạ là ngày nay, pa pa được biểu diễn trong phòng xử án cũng như các pháo đài và tu viện.
Du khách cũng có thể ghé khu bảo tồn Motithang Takin để ngắm nhìn quốc thú takin. Takin là quốc thú của Bhutan do sự gắn kết của loài vật này với lịch sử tôn giáo và thần thoại của người Bhutan. Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 15, vị thánh Tây Tạng Drukpa Kunley đã tạo ra loài động vật độc đáo này. Takin được xem là một biểu tượng quốc gia do những nét pha trộn kỳ lạ giữa hình dạng bò và dê.
Takin sống theo nhóm khoảng 20 con và thức ăn hàng ngày của loại thú hiền lành là tre. Trong kỳ nghỉ ở Bhutan, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy takin tại khu bảo tồn Motithang Takin ở thủ đô Thimphu.
Bình Minh
Theo dailybhutan.com, gobhutantours.com