(SGTTO) - Truyền thuyết về sự ra đời của búng Bình Thiên kể rằng khi một vị tướng đến đây phát triển doanh trại, gặp hạn hán nên ông đã khấn trời phật rồi đâm gươm vào đất. Một dòng nước từ đất phun lên, lâu dần, ngập thành hồ như hiện nay.
Hồ nước... trời ban
Búng Bình Thiên cách trung tâm thành phố Châu Đốc 35km. Nếu đi xe khách, bạn đến bến xe Châu Đốc, bắt xe buýt rồi từ đó đến búng Bình Thiên. Nếu đi xe máy hay xe du lịch, từ trung tâm thành phố Châu Đốc đi về hướng cầu Cồn Tiên rồi sang tỉnh lộ 956 để đến thị trấn An Phú. Từ đây sẽ đến cửa khẩu Khánh Bình, gặp ngã tư Quốc Thái, rẽ trái đi tiếp khoảng 2km là tới búng Bình Thiên (An Phú, An Giang).
Theo tiếng địa phương, "búng" có nghĩa hồ và đầm, "bình" là vì mặt nước lúc nào cũng êm ả và "thiên" có nghĩa là trời. Búng Bình Thiên có nghĩa là hồ nước yên bình do trời ban. Tên gọi này cũng xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ.
Chuyện dân gian kể rằng, ngày trước, khi một vị tướng đến đây phát triển doanh trại thì gặp hạn hán. Đất khô nứt, cây cối chết dần. Người dân và quân lính đều không có nước dùng. Thấy vậy, ông đã lập đàn, cầu khẩn trời phật rồi dùng gươm đâm thật mạnh vào đất. Kỳ lạ thay, một dòng nước mát lành từ dưới lòng đất phun lên. Lâu dần, dòng nước này ngập thành hồ như hiện nay.
Búng Bình Thiên sở hữu những đặc trưng khác với nhiều hồ nước thông thường. Trong đó, nổi bật nhất là ba chi tiết gồm nước trong hồ chỉ dâng lên và hạ xuống theo con nước chứ không chảy. Tiếp đó, miệng búng thông với nhánh sông Bình Di, nhưng dòng nước đỏ phù sa chỉ cần chạm đến miệng hồ thì trở mình trong xanh. Điều thứ ba là mùa nước nổi, khi tất cả các kênh, rạch, sông trong vùng đều được nhuộm đỏ của phù sa, hồ nước vẫn trong, vẫn xanh.
Du khách có thể đến tham quan búng Bình Thiên vào mọi thời điểm trong năm, song diện tích mặt nước của búng trải rộng và đẹp nhất là vào mùa nước nổi. Đó cũng là thời điểm trên bờ hay mặt nước được nhuộm vàng bởi hoa điên điển hay hoa nhút.
Thuê xuồng dạo mát
Theo ông Nguyễn Văn Tâm (42 tuổi), một người địa phương, vào mùa nước nổi, búng rộng khoảng 500-600m và dài 2.500 -3.000m. Thời gian đi xuồng một vòng búng mất khoảng 40 phút. Tuy nhiên, để khách được trải nghiệm trọn vẹn hồ kể cả ngắm hoa, hái bông, thăm bè cá... thời gian từ khi bắt đầu đến khi lên bờ sẽ mất từ một giờ rưỡi đến ba giờ đồng hồ, tùy điểm dừng lâu hay nhanh.
Giá thuê xuồng khám phá búng 250.000-300.000 đồng/người, mỗi xuồng có sức chứa từ 4-10 người. Với mức giá như thế, bạn sẽ được chủ xuồng chở một vòng quanh búng, khám phá góc nhỏ đầy hoa nhút, dừng lại một góc búng hái hoa điên điển. Nếu may mắn có người dân địa phương đang kéo lưới, bạn có thể xin tham gia để trải nghiệm khoảnh khắc những chú cá bị mắc lưới dần bị kéo lên khỏi mặt nước.
Sau khi tham quan búng, bạn có thể ghé vào làng Chăm ven hồ. Đến đó, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái Chăm vội vàng quay người khi thấy người lạ hay ống kính máy ảnh hướng về mình; hình ảnh cụ già đi lễ ở thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah hay trẻ em vui đùa trên đường đi học.
Gợi ý các món ngon bạn nên thưởng thức tại chỗ gồm cá heo kho, lẩu cá linh, gỏi điên điển, bánh bò thốt nốt, cà ri... Cá món nên mua về gồm thạch thốt nốt, đường thốt nột và lạp xưởng bò.
Chỗ nghỉ gần búng Bình Thiên
Quanh búng hiện có những nhà nghỉ nhỏ với giá khoảng 250.000-300.000 đồng/đêm. Ngoài ra, bạn có thể xin ngủ nhờ nhà dân, cắm trại nếu số lượng thành viên trong nhóm khoảng 8 người. Tuy nhiên, vì buổi tối nơi đây khá vắng, không có chỗ vui chơi, nên du khách sau khi khám phá búng, thường trở về thành phố Châu Đốc để trải nghiệm một trong những vùng đất sầm uất nhất miền Tây Nam bộ.
Bài và ảnh: Hiểu Lâm