(SGTT) – Không chỉ có tên gọi lạ tai, món lẩu tả pí lù còn mang đến cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực thú vị, thích món gì cũng tìm thấy trong nồi lẩu.
- Thú vị nồi lẩu cuối tuần chọn phong cách ẩm thực đường phố Trung Hoa
- Nồi lẩu cuối tuần chọn món lẩu mang giá trị tinh thần của người Nhật Bản
- Nồi lẩu cuối tuần đầu năm chọn thịt cá nhúng cho may mắn
Một tuần làm việc đã trôi qua và mọi người lại bước vào kỳ nghỉ cuối tuần. Theo đó, vào mỗi thứ Bảy, Trưa nay ăn gì thường giới thiệu các món lẩu có sự đặc sắc về nguyên liệu, cách chế biến và độ thơm ngon. Hôm nay, nồi lẩu cuối tuần chọn tả pí lù mang một nét riêng trong ẩm thực về lẩu.
Theo các chuyên trang ẩm thực, tên gọi tả pí lù (tả pín lù) bắt nguồn từ văn hóa ẩm thực Trung Hoa, được mô tả là món lẩu gồm các thức ăn sống được bài trí xung quanh nồi lẩu, khi dùng bữa thì nhúng thịt cho chín và ăn khi nóng. Trước đây, món ăn tìm thấy ở các bộ tộc người Mông Cổ rồi dần dần du nhập vào Việt Nam và được yêu thích bởi sự đa dạng trong thức ăn kèm.
Nếu như món ăn nguyên bản thường dùng thịt dê, cừu, bê thì khi sang Việt Nam thức ăn kèm hoàn toàn phụ thuộc vào nơi bán và người nấu. Thế nên, đọc trại nghĩa của từ tả pí lù là thức ăn hỗn hợp, có gì dùng đó.
Về nước dùng (nước lẩu), nguyên bản của nó sẽ được nấu theo phong vị có cả chua, cay, ngọt rồi nước chấm kèm phải là hỗn hợp sốt tàu vị yểu và sa tế. Qua bàn tay chế biến của người Nam bộ, nước dùng pha thêm dấm, đường rồi nấu thật sôi để vị nước lẩu ngọt thanh, chua nhẹ hơn.
Có một điểm đặc sắc ở lẩu tả pí lù là rau nhúng kèm phụ thuộc vào thịt chọn nhúng. Nếu bạn chọn các loại thịt heo, bò, gà thì rau nhúng thường là rau muống, rau mồng tơi, xà lách son… trong khi chọn thịt cá thì rau phải có vị đắng để giảm bớt độ tanh như rau đắng, cải bẹ xanh, khổ qua, rau má…
Ngoài nồi lẩu inox tròn như hiện nay thì một số quán lẩu vẫn còn phục vụ nồi lẩu kiểu tháp trụ, ở giữa rỗng ruột để cho than vào, món ăn cứ thế mà chín từ nhiệt tỏa ra. Thực khách sành ăn đánh giá món lẩu đựng trong nồi này có một hương vị rất riêng biệt so với các loại nồi hiện có.
Cuối cùng, khi thưởng thức, thực khách nhúng một lượng vừa đủ thịt, cá, hải sản vào nồi, tranh thủ thêm ít bún tươi, mì gói và rau ăn kèm. Lưu ý không nên cho hết thịt vào nồi để tránh vị nước dùng bị ảnh hưởng cũng như không kiểm soát được độ chín các loại thịt. Nước chấm thì có đến ba kiểu pha là nước tương, nước mắm chua ngọt và nước mắm nguyên chất. Dù chọn loại nước chấm nào thì ít lát ớt cắt thêm vào sẽ giúp bữa ăn thêm tròn vị.
Gia Hân tổng hợp