Khánh Ngân -
Cuối năm (âm lịch 2017), thời tiết trở lạnh, lại thêm những cơn mưa trái mùa, khiến trẻ em dễ bị bệnh vì có sức đề kháng yếu. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 trẻ đến khám ở hai bệnh viện - Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TPHCM), trong đó có không ít trẻ phải nhập viện vì viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản và suyễn…
Phát hiện chậm, trẻ dễ bị chẹt đường thở
Khi nói tới những bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ em, nhiều người thường nghĩ đến viêm phổi, viêm phế quản. Thế nhưng, trong mùa này, có một bệnh khá nguy hiểm ở trẻ nhỏ - đó là viêm thanh quản.
Theo bác sĩ Đặng Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh này nguy hiểm vì thanh quản nằm ngay vị trí đường thở chính. Vì vậy, khi trẻ bị viêm, gây ho, khó thở cũng giống như trẻ bị bóp chặn cổ và có thể chuyển biến nặng, gây suy hô hấp cấp. Do đó, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm.
Vợ chồng chị Thu ở quận Bình Tân (TPHCM) vừa trải qua cơn thót tim vì cô con gái 18 tháng chỉ sau 3 ngày bị ho, sổ mũi đã suýt bị suy hô hấp.
Chị Thu kể: “Chiều đi làm về, thấy con ho và sổ mũi, tôi nghĩ bé bị cảm thông thường nên chưng tắc, mật ong cho uống. Đến đêm, con ho; tiếng ho kỳ lắm, sáng dậy thì con bị khàn tiếng. Tôi cứ tưởng do bé khóc và ho nhiều bị khàn tiếng, nên cố gắng cho bé ăn đồ mát và uống tắc, mật ong nhiều hơn”.
“Đến chiều, tôi thấy con có vẻ bớt ho, nhưng gần sáng hôm sau thì bé ho liên tục và thở mệt, đứt quãng nên tôi cho bé phun khí dung. Vào những lần trước khi bé ho, khò khè, tôi phun khí dung là bé đỡ ngay, còn lần này bé có vẻ mệt nhiều hơn nên tôi tức tốc đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ nói: bé bị viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn, khiến bé khó thở, suy hô hấp. Nếu tôi đưa đến trễ sẽ rất nguy hiểm cho bé vì đường thở sẽ bị nghẹt”, chị Thu cho biết.
Theo bác sĩ Kim Huyên, khi mới khởi phát, bệnh có biểu hiện như viêm mũi họng với ho, sổ mũi, khó thở nên phụ huynh dễ nhầm lẫn với viêm họng, suyễn… Bệnh thường diễn tiến rất rầm rộ nên phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện: thở rít, khàn giọng, đặc biệt là tiếng ho ông ổng, bệnh hay nặng về đêm khiến trẻ ho nhiều vào ban đêm và khó thở. Bệnh viêm thanh quản ở trẻ em chủ yếu do siêu vi, thường gặp ở trẻ 3 tháng đến 3 tuổi.
Trời lạnh, bệnh dễ tấn công trẻ
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết dịch bệnh hô hấp tại miền Nam thường tăng mạnh trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, và có xu hướng giảm dần sau thời điểm này. Tuy nhiên, càng gần cuối năm, khi thời tiết trở lạnh, bệnh có thể tăng trở lại.
Theo bác sĩ Tuấn, vào mùa này, các bệnh về hô hấp thường gặp ở người lớn là nhiễm trùng hô hấp cấp tính, viêm hô hấp trên, viêm tai giữa cấp hay nặng hơn là viêm hô hấp dưới. Đối với trẻ em, phụ huynh cần lưu ý 2 nhóm bệnh. Nhóm thứ nhất là viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhóm thứ hai là viêm mũi xoang và suyễn. Trẻ mắc các bệnh này nếu không chăm sóc đúng có thể gặp nguy hiểm. Đặc biệt là đối với những trẻ bị suyễn, nếu không được chăm sóc tốt, trẻ rất dễ bị lên cơn trong mùa lạnh.
Một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ mắc bệnh cuối năm là sự chăm sóc không đúng cách của phụ huynh. Có phụ huynh vẫn cho con ăn mặc phong phanh như mùa hè, nhưng ngược lại, có phụ huynh trùm con quá kỹ.
Bác sĩ Tuấn cho biết: “Mặc đồ giữ ấm mùa lạnh cho con quá dày, coi chừng trẻ gặp nguy hiểm vì khó thở. Việc giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh rất cần thiết, nhưng nhiều trường hợp phụ huynh chăm sóc trẻ sai cách, mặc áo quần quá nhiều lớp, dẫn đến trẻ dễ bị khó thở, nghẽn đường hô hấp”.
Theo lời khuyên của bác sĩ, cách chăm sóc trẻ đúng cách là: khi thời tiết trở lạnh, cần cố gắng giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh - trẻ dưới 12 tháng, hay những trẻ mắc bệnh lý mãn tính. Vào mùa này, vẫn tắm cho trẻ, tuy nhiên, cần chọn thời điểm ấm nhất trong ngày, đóng kín cửa và nên tắm từng bộ phận chứ không “nhúng” toàn bộ cơ thể trẻ vào nước. Hoặc, nếu thời tiết quá lạnh, có thể dùng khăn ấm lau cho trẻ.
Ở các tỉnh phía Bắc, thời tiết khắc nghiệt hơn, nên ngoài mặc áo khoác ngoài, cha mẹ cũng có thể trùm nón, đeo găng tay cho trẻ, nhưng tránh mặc quần áo quá dày, quá nhiều lớp khiến trẻ bị khó thở. Ở một số tỉnh, phụ huynh có thói quen đốt lửa, sưởi ấm cho trẻ bằng than tổ ong, gây nguy hiểm cho đường hô hấp của trẻ, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều bà mẹ hay phòng bệnh cho con bằng cách đắp tỏi vào chân, dán salonpas và sử dụng tinh dầu thoa vào các huyệt đạo để phòng ho, sổ mũi. Theo bác sĩ Tuấn, những cách làm này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe trẻ bởi vì dù việc sử dụng tinh dầu có hiệu quả với trẻ nhưng cần tìm hiểu thật kỹ trước khi dùng. Vì da trẻ rất mỏng, việc bôi dầu nóng trực tiếp lên da có thể gây bỏng, rộp. Ngoài ra, một số loại tinh dầu cũng chứa nhiều thành phần nguy hiểm, nếu bôi quá nhiều, dầu ngấm vào da sẽ gây ngộ độc cho trẻ.
Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần cung cấp đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và chích ngừa đầy đủ, nhất là cúm, phế cầu (có thể giảm đến 50% nguy cơ viêm phổi ở trẻ). Cần làm thông thoáng đường hô hấp trẻ như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, hút mũi. Khi trẻ có các dấu hiệu, như nôn ói, không ăn uống được, ngủ li bì, sốt cao liên tục trên 3 ngày, thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.