Hôm 28-2, đồng rúp của Nga lại tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ, hơn 110 rúp mới ăn được 1 đô la. Diễn biến này cùng với tình trạng xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng về việc mất thị trường Nga, thậm chí trầm trọng hơn là sẽ có rất ít du khách sau khi mở cửa.
“Xong! 110,75 rúp ăn 1 đô, chỉ mới chừng một tuần mà đồng rúp mất giá hơn 40%”, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Pegas Misr Travel Việt Nam, một người có hàng chục năm kinh nghiệm khai thác thị trường du lịch Nga, nói với KTSG Online.
Doanh nhân này nhớ lại, thị trường Nga đã có nhiều lần suy giảm vì đồng rúp mất giá. Như thời điểm năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng rúp mất giá khoảng 3 lần, từ 32 rúp ăn 1 đô la Mỹ vào đầu năm thì đến cuối năm phải 90 rúp mới đổi được 1 đô la.
Thị trường du lịch ngay lập tức gián đoạn. Các doanh nhân khai thác thị trường này gặp rất nhiều khó khăn và phải chờ mãi, đến khi tỷ giá xuống 60 rúp/1 đô la thì mới dám tiếp tục thực hiện các kế hoạch đón khách đến Việt Nam trở lại.
“Nay lịch sử đó tiếp tục lặp lại nhưng chắc chắn là sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì cùng một lúc du lịch phải đối mặt với hai khủng hoảng lớn nhất là chiến tranh và dịch bệnh”, bà nói.
Lại phải chia tay khách hàng “sộp” nhất
Từ nhiều năm nay, khách Nga luôn là khách hàng mong đợi của ngành du lịch Việt Nam bởi họ có thời gian du lịch dài ngày và mức độ chi trả cao.
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2019, du khách Nga là những người chi tiêu cao nhất, cứ mỗi du khách mang đến cho Việt Nam hơn 1.830 đô la Mỹ, sau đó mới đến khách Anh, Mỹ, Úc và Pháp.
Thời gian lưu trú của khách Nga cũng dài nhất, hơn 15 ngày. Phần lớn du khách đến bằng các chuyến bay thuê bao.
Vào năm đó, hơn 646.000 lượt khách Nga đã lấp đầy hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa, Phan Thiết… Du khách từ chỗ chỉ nghỉ dưỡng, vui chơi tại các khu nghỉ dưỡng ven biển đã đi nhiều hơn, kết nối các tour từ nhiều điểm du lịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam, TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long…
Ở Pegas Misr Travel Việt Nam, hồi trước dịch, công ty đã phục vụ hàng trăm ngàn du khách Nga đến Việt Nam mỗi năm. Vào mùa vắng, bình quân cứ một ngày lại có 1 chuyến bay thuê bao chở du khách đến, mùa đông khách lên đến 3 chuyến/ngày, có khi 5 chuyến.
Sau hai năm gián đoạn vì Covid-19, công ty đang chuẩn bị kế hoạch nối lại thị trường thì chiến sự xảy ra, mọi việc phải dừng lại.
“Thị trường phục hồi khá nhanh ở những đợt khủng hoảng trước nhưng với lần này thì không thể dự đoán. Cứ tưởng mọi việc sẽ tốt hơn khi Chính phủ cho nối lại mảng du lịch quốc tế nhưng giờ lại phải chờ đến khi hết chiến tranh để tính toán chuyện làm ăn”, bà Thu nói.
Một số doanh nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và liên quan đến du lịch ở Nha Trang, Phan Thiết… cũng cho biết cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến kế hoạch vận hành lại sau dịch không thành.
“Chúng tôi vừa mới bắt đầu sửa sang khu nghỉ để đón khách nhưng nay không biết bao giờ mới có”, người quản lý một khu nghỉ ở Khánh Hòa nói.
Theo đó, sau một số chuyến bay thí điểm đưa khách Nga đến du lịch Khánh Hòa, cũng như nhiều doanh nhân khác, ông đã rất lạc quan vào sự phục hồi của thị trường Nga. Tuy nhiên, niềm vui quá ngắn ngủi, du khách vừa mới quay lại đã phải chia tay.
Lo mở cửa nhưng không có khách
Nhiều doanh nhân, như ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhận định do Việt Nam chưa mở hoàn toàn mảng du lịch quốc tế nên chưa thể đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine đến ngành du lịch.
Tuy nhiên, điều có thể thấy trước mắt là ngoài việc sẽ khó có khách Nga do lạm phát đẩy giá tour tăng cao, du lịch cũng sẽ không có khách đi tour đến Nga sau ngày 15-3. (15-3 tới là thời điểm mà Việt Nam dự định sẽ nối lại toàn bộ mảng du lịch quốc tế-PV)
“Tình hình hiện tại khó đoán nhưng xem như tour đi Nga là không có”, ông nói.
Ông Phạm Hà, CEO của Lux Group, cũng chia sẻ thông tin tương tự. Ở tập đoàn này, một số đối tác đã phải đình lại chuyện thương thảo về dịch vụ tàu du lịch cho khách Nga tại Nha Trang trong thời gian tới nhưng nỗi lo lớn hơn là các thị trường khác sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến này.
“Thách thức để thu hút du khách nước ngoài sẽ tăng cao, thậm chí du lịch có thể sẽ không có được bao nhiêu khách sau khi mở cửa vì chiến sự. Tâm lý bất an, chi phí tăng cao vì giá xăng dầu tăng và các lệnh cấm bay là rào cản lớn để thu hút khách”, ông nói.
Theo đó, do các thị trường nguồn ở vùng Đông Bắc Á đang kiểm soát dịch rất ngặt nghèo nên nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào thị trường xa nhưng nhiều thị trường ở khu vực này lại đang bị tác động bởi cuộc chiến.
Chỉ riêng việc hãng hàng không Aeroflot của Nga bị cấm bay đã khiến du lịch khó khăn để kết nối điểm, chi phí cũng tăng làm du khách ngại đi. Các cơ hội để du khách tìm đường bay giá rẻ cũng ít hơn.
Chẳng hạn, trước đây, nhiều du khách từ Đức thường bay đến Berlin Schoenefeld, sang Moscow rồi đến Hà Nội hoặc TPHCM để có giá rẻ hơn nhưng nay thì không thể.
“Tuy chưa thực sự rõ ràng nhưng cuộc chiến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách của du lịch sau khi mở cửa. Tốc độ phục hồi của các điểm đến có thị trường lớn là Nga như Khánh Hòa, Bình Thuận… sẽ chậm hơn”, ông nói.
Đào Loan
Theo KTSG Online