(SGTT) - Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về chứng nhận tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, theo đó có thể có tới 7 mũi tiêm cần được xác nhận.
- Thông điệp “5K” có còn hợp thời?
- Huế nới lỏng nhiều biện pháp phòng chống dịch
- Hơn 50% doanh nghiệp tại TPHCM gặp khó khăn khi thưởng Tết cho người lao động
Tại Quyết định 43/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 7-1-2022, mẫu giấy xác nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được bổ sung các thông tin về tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại. Tổng số mũi tiêm trên giấy xác nhận là 7 mũi, so với mẫu ban hành trước đây chỉ 2 mũi tiêm (liều cơ bản).
Về việc cần thiết tiêm liều bổ sung, nhắc lại, theo TS. BS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, với vắc-xin phòng Covid-19, để có miễn dịch bảo vệ, người đó cần được tiêm liều cơ bản. Sau khi tiêm vắc-xin liều cơ bản, có thêm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể.
Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vắc-xin hướng dẫn và thực hành tiêm chủng trong thời gian qua. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, cơ thể sẽ có miễn dịch chống lại vius mà họ mong muốn được bảo vệ. Tùy thuộc vào nhà sản xuất, liều vắc-xin cơ bản có thể khác nhau. Ví dụ, các vắc-xin như AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna có liều cơ bản là 2 mũi tiêm, nhưng vắc-xin Abdala của Cuba liều cơ bản gồm 3 mũi tiêm, trong khi vắc-xin Janssen thì 1 mũi tiêm.
Sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản sẽ giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm tăng cường mũi bổ sung (cho các trường hợp đáp ứng miễn dịch yếu, người có bệnh nền…) hoặc tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản.
Cục Hàng không kiến nghị hạn chế chuyến bay trọn gói về Hà Nội, TPHCM
Theo Zing News, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải với nội dung đề nghị Bộ Ngoại giao hạn chế các chuyến bay trọn gói chở công dân về nước hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không đã yêu cầu hãng hàng không giãn cách thời gian hạ cánh các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam để hạn chế việc ùn tắc tại khu vực xét nghiệm nhanh Covid-19 ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, các chuyến bay thương mại sử dụng slot (giờ cất, hạ cánh) lịch sử tại các sân bay nước ngoài và Việt Nam nên khó đổi lịch bay. Trong khi đó, chuyến bay trọn gói, chuyến bay thuê có thể linh hoạt hơn trong việc đổi giờ bay nên Cục Hàng không kiến nghị điều chỉnh giờ bay của các chuyến bay này.
Từ ngày 4-1 đến 7-1, 47 chuyến bay quốc tế đã hạ cánh tại Việt Nam. Trong đó có 16 chuyến thương mại thường lệ, 20 chuyến trọn gói, 11 chuyến chở chuyên gia, khách du lịch quốc tế. Tổng cộng có 6.094 khách nhập cảnh.
Nhiều xã ở Cà Mau trở lại “vùng xanh”
Theo VOV.vn, từ ngày 10-1, Cà Mau có 95/101 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2 (vùng vàng); còn lại 6 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 1 (vùng xanh).
Trong đó, huyện Phú Tân và Năm Căn, mỗi đơn vị có 2 xã vùng xanh; hai xã còn lại thuộc huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển. Vào đầu tuần trước, tỉnh Cà Mau có đến 82 đơn vị cấp xã thuộc vùng cam (cấp độ 3); 7 xã còn vùng đỏ (cấp độ 4).
Tình hình dịch trên địa bàn đang có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau đang đối diện nguy cơ thiếu vật tư y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, nguồn oxy lỏng và các túi thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân của tỉnh này còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Khả năng trong những ngày tới có thể không còn đủ để phục vụ điều trị F0 trong điều kiện mỗi ngày phát hiện khoảng 500 ca nhiễm mới.
Từ tháng 7-2021 đến nay, Cà Mau ghi nhận hơn 42.600 trường hợp mắc Covid-19, có hơn 32.300 người đã khỏi bệnh. Hiện tỷ lệ người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc-xin của địa phương này chiếm khoảng 99%.
Minh Thảo tổng hợp