Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Cà phê “ve chai” ở thành phố sương mù

Yên Thảo

“Hễ ai có đồ gì bỏ đi thì gọi cho tui đến lấy về, riết cái quán giống như bãi chứa ve chai vậy đó”, chị Thủy, chủ quán Bi.cycle Up (82 Trương Công Định, Đà Lạt) cho biết.

Bi.cycle Up quả đúng là kho ve chai, nhưng mà là kho ve chai độc nhất vô nhị, khó có thể tìm thấy ở đâu khác. Trong không gian đặc quánh mùi thời gian này, những người thế hệ 1970, 1980 sẽ có thể tìm thấy những vật dụng gia đình quen thuộc một thời gắn bó với tuổi thơ của mình như cái bàn ủi than con gà, chiếc ti vi mấy inch nhỏ xíu hay chiếc bình thủy sắt rỉ sét… Nhiều gia đình Việt kiều khi về lại Đà Lạt cũng tìm đến quán để được trở về căn nhà xưa đầy kỷ niệm với những đồ dùng đậm phong cách Pháp. Từ chiếc máy may cũ, bộ bàn ghế xưa đến những quyển sách cổ quý và những dòng chữ nguệch ngoạc trong quyển thực đơn viết tay, tất cả đều gợi lại những hồi ức và những điều quen thuộc.

Không gian độc đáo của lớp học dưới hầm tại Bi.cycle Up.
Không gian độc đáo của lớp học dưới hầm tại Bi.cycle Up.

Đến với Bi.cycle Up, thường được xem như là “hành trình trở về ngày hôm qua”, nhưng chủ quán còn có một mục đích khác, quan trọng hơn là khơi gợi ý thức tái sử dụng đồ cũ ở các bạn trẻ. Chị Thủy chia sẻ: “Những đồ vật được trưng bày ở đây chưa phải là đồ cổ và không hẳn có giá trị cao nhưng hy vọng nó có thể đem đến một giá trị tinh thần nào đó cho mọi người”.

Nhiều người lần đầu bước vào quán dễ có cảm giác ngột ngạt vì đồ đạc trưng bày ở đây hỗn độn quá. Nhưng kỳ thực nếu lắng lại một vài giây, lướt mắt qua từng ngóc ngách của quán, dừng lại ở từng vật dụng được cách điệu một cách đáng yêu, khách sẽ bị cuốn vào một thế giới nghệ thuật tinh tế. Có người đã bị “hớp hồn” ngay khi nhìn thấy chiếc bồn tắm ngập trong cỏ cây, hoa lá ở lối vào. Chiếc bồn tắm sắt nặng một tạ này được anh Tường (chồng chị Thủy) thu mua từ một vựa ve chai, sau rất nhiều ngày cọ rửa, sơn sửa mới thành một chiếc bồn tắm xinh xắn và độc đáo.

Mỗi vật dụng được bài trí ở đây dường như đều có câu chuyện của riêng nó. Chiếc tủ gỗ kiểu Pháp 80 năm tuổi dùng để đựng đồ đạc nhưng chỉ cần gỡ bỏ một cánh tủ và thay đổi vài chi tiết nhỏ giờ đây lại trở thành một chiếc ghế ngồi thi vị bên cạnh cây đàn piano.

Chị Thủy cho biết, số sản phẩm trưng bày tại quán chỉ mới là một phần gia sản anh chị có được sau hơn 10 năm góp nhặt đồ cũ khắp nơi. Chính vì vậy, cứ mỗi sáu tháng chị lại thay đổi cách bài trí quán một lần, vừa để các vật dụng tái chế đang “xếp hàng đợi” ở nhà có cơ hội xuất hiện vừa để làm mới quán. Thường mỗi lần thay đổi như vậy để lại tiếc nuối cho nhiều vị khách quen, nhưng chị Thủy nói chị lại muốn khách của mình tiếc nuối, vì còn tiếc nuối là họ còn trân trọng mình.

Từ khi ra đời vào cuối năm 2012 đến nay, Bi.cycle Up đã là nơi lui tới quen thuộc của những bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh đến trổ tài hay những tâm hồn yêu thích nghệ thuật đến giao lưu, chia sẻ niềm đam mê. Chỗ ngồi yêu thích của tôi mỗi khi đến quán là cái lớp học dưới hầm phía sau quán. Vì cấu trúc nhà men theo triền dốc ở Đà Lạt mà có khi nhà của người này lại trở thành tầng hầm của người khác. Khu vực này, vì thế được thiết kế như một lớp học dưới hầm thời chiến tranh, có bảng đen, phấn trắng, khăn lau bảng... Tôi thường chui vào đây, ngước nhìn lên cửa sổ nơi ánh nắng đang len lỏi qua khung cửa, ngắm chú mèo nằm phơi nắng bên hiên nhà hàng xóm, tưởng như mình đang là cô học trò lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ lớp học và mơ mộng đủ trò...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tượng, cà phê bình dị

0
DIỆU THUẦN -  Chủ quán là một kiến trúc sư, anh đã tận dụng những quả bầu, quả bắp phơi khô, báo cũ, lá khô,...

Kết nối