(SGTTO) - Trong quá trình chạy bộ, người chạy thường bị bong gân, gây sưng, đau nhức, đi lại khó khăn. Nếu tình trạng sưng nghiêm trọng, người bị bong gân phải đến bệnh viện khám ngay.
Trong các giải chạy Marathon luôn có vận động viên bị bong gân. Theo bác sĩ Wade Brackenbury, Tổng giám đốc Phòng khám Chuyên khoa Trị liệu thần kinh cột sống Mỹ (ACC), "Vận động viên dễ bị bong gân đột ngột khi đang chạy thì bước xuống hố, chạy trên bề mặt không bằng phẳng hoặc bàn chân bị lật sang một bên do mặt bên của giày chạy tiếp đất sai cách".
Bong gân thường bị ở mắt cá chân
Bác sĩ Wade Brackenbury cho biết thêm rằng bong gân là tình trạng chấn thương liên quan đến các dây chằng, có thể xảy ra ở đầu gối hoặc mắt cá chân. Dạng bong gân ở mắt cá chân là phổ biến nhất do bàn chân tiếp đất sai cách, khiến cổ chân bị lật vào trong và kéo căng những dây chằng nằm ở mé ngoài bàn chân và cổ chân. Đây gọi là bong gân mặt ngoài.
Một loại bong gân mắt cá chân khác có thể xảy ra ở mặt trong bàn chân nếu bàn chân bị xoay theo hướng ngược lại. Dạng bong gân này là bong gân mặt trong và thường không phổ biến bằng bong gân mặt ngoài vì các dây chằng ở phần giữa mạnh hơn các dây chằng ở bên hông.
Tình trạng bong gân
Khi bị bong gân, người chạy cảm thấy cứng và sưng đau dữ dội quanh vùng mắt cá chân. Chân càng bị sưng nhanh ngay sau lúc gặp tai nạn thì càng nghiêm trọng hơn.
Trong giai đoạn này, việc chẩn đoán xem mắt cá chân chỉ bị bong gân hay đã gãy xương là rất quan trọng", bác sĩ Wade Brackenbury tư vấn.
Tình trạng bong gân nhẹ khá phổ biến. Hầu như vận động viên chạy bộ nào cũng phải trải qua ít nhất một lần trong quá trình luyện tập và thi đấu. Thông thường, người chạy có thể hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, với trường hợp bong gân nghiêm trọng hơn, khi các dây chằng có dấu hiệu bị rách thì vận động viên cần thời gian hồi phục dài hơn và phải kết hợp với vật lí trị liệu, trị liệu thần kinh cột sống, phục hồi chức năng và phải dán băng dán cơ chuyên dụng.
Một khi mắt cá chân đã bị bong gân, tình trạng này có thể tái đi tái lại nhiều lần. Trong thời gian chờ hồi phục hoàn toàn, vận động viên cần học cách dán băng dán cơ và luyện tập với cường độ vừa phải.
Khắc phục
"Ngay khi vừa bị bong gân, hãy cố định khớp quanh khu vực sưng và chườm đá. Trong trường hợp sưng đau nặng, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chỉ định chụp X-Quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) để xác định mức độ bong gân. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ và chuyên viên vật lí trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách phục hồi chức năng", bác sĩ Wade Brackenbury đưa ra lời khuyên.
Để tránh tình trạng bong gân, bạn nên chọn giày phù hợp và đặc biệt cẩn thận với các loại giày có đế mềm hoặc có đế cao vì loại giày này sẽ dễ khiến vận động viên bị trật chân hơn. Ngoài chạy bộ, hãy tập thêm các bài tập tăng sức mạnh cổ chân.
Đỗ Lan