Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Bộ Tài chính giữ quan điểm không giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước

Theo Bộ Tài chính, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chính sách này còn có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do.
Lắp ráp xe ô tô của một liên doanh ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

TTXVN đưa tin, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ. Liên quan đến đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện chính sách này.

Bộ Tài chính cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã hai lần trình Chính phủ ban hành các nghị định giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước gồm Nghị định số 70/2020 và Nghị định số 103/2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng có các tồn tại, hạn chế như tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước.

Việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài việc làm giảm thu ngân sách nhà nước được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.

Ngoài ra, chính sách này lại có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Thực tế Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và xe ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Liên quan đến vấn đề này, các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam và EuroCham đã đề xuất phải thực hiện giảm cả đối với ô tô nhập khẩu để đảm bảo cam kết quốc tế đã ký kết.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết.

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.

Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Với phương án này, ưu điểm là sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe ô tô tồn kho, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, nhược điểm là chưa tuân thủ quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế. Phương án này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng. Đồng thời chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc hạn chế sử dụng xe cá nhân.

Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và cả ô tô nhập khẩu. Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, vì người dân sẽ ưu tiên mua xe ô ô nhập khẩu hơn xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đồng thời, nếu thực hiện theo phương án này thì tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15.000-16.000 tỉ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.

N.Tân
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường ô tô: Đại lý chờ khách, khách chờ chính...

0
(SGTT) - Việc kỳ vọng lệ phí trước bạ tiếp tục được giảm 50% trong vòng 6 tháng tới với xe sản xuất, lắp...

Thị trường ô tô vẫn chưa khởi sắc sau khi giảm...

0
Các nhà phân phối ô tô cho biết, việc áp dụng ưu đãi giảm từ 50% phí trước bạ cho các xe lắp ráp...

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 3-2023: Mitsubishi Xpander...

0
Theo báo cáo tháng 3-2023 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Công ty TC Motor, danh sách...

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 2 -2023: Hyundai...

0
(KSTG Online) – Theo báo cáo tháng 2-2023 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và công ty TC...

Sức mua ô tô giảm, hãng xe tung khuyến mãi, ngân...

0
(SGTT) – Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 1-2023...

Phí thuê xe tự lái tăng cao trong dịp Tết

0
Theo đánh giá từ các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê xe tự lái, tết năm nay, nhu cầu thuê xe tăng...

Kết nối