(SGTT) - Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước dài 6,6km được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12-12-2024. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch 6 làn với tổng vốn 1.474 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.
- Đến Bình Phước dịp Tết, ngắm rừng cao su thay lá
- Khởi công cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/cao-tcc-TPHCM-TDM-CT.jpg)
Tuyến cao tốc có 2 nút giao, một với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, một với Quốc lộ 14. Dự án bố trí lối ra vào gần đường N14 trong khu công nghiệp Becamex Bình Phước, kết hợp với lối ra vào tại Bình Dương, TTXVN đưa tin.
Tuyến có 3 hầm, gồm hầm 1 tại đường N15, hầm 2 và 3 nằm trước và sau nút giao với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế sau thiết kế cơ sở. Dự kiến trong tuần này, thị xã Chơn Thành sẽ họp dân, kiểm kê và thu hồi đất toàn tuyến.
Bà Tôn Ngọc Hạnh đề nghị thị xã Chơn Thành phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh thủ tục, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đúng tiến độ. Đồng thời, chủ động hoàn thiện hạ tầng giao thông và các điều kiện tại khu tái định cư.
Trong quá trình thực hiện dự án, các vướng mắc cần được báo cáo kịp thời lên cấp có thẩm quyền để tháo gỡ. Bà cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo triển khai dự án trước dịp kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh (ngày 23-3).
Trước đó, ngày 14-12-2024, tại Bình Phước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ động thổ dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Dự án dài khoảng 70km, trong đó 6,6km qua Bình Phước, 52km qua Bình Dương, phần còn lại qua TPHCM. Đây là một trong 8 dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò chiến lược, kết nối Tây Nguyên với các trung tâm công nghiệp lớn, hướng về TPHCM.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh phát huy nội lực, thu hút ngoại lực để phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ và tăng cường liên kết vùng.
Cụ thể, dự án cao tốc TPHCM - Chơn Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ hình thành 1 tuyến mới, kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khi hoàn thành, dự án giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đắk Nông đến TPHCM, thuận lợi kết nối sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Địa phương này cũng phát triển hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh và các trục động lực như đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến phía Tây quốc lộ 13 (Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư), ĐT 753, mở mới đường Minh Lập - Phú Riềng (4-6 làn xe) để kết nối Phước Long - Phú Riềng với cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.