(SGTTO) – Bắt đầu từ thời điểm học sinh tựu trường đến nay, bệnh tay chân miệng liên tục gia tăng trong cộng đồng lẫn trường học. Mặc dù ngành y tế thành phố đã dự báo cũng như lường trước các biện pháp phòng tránh sự lây lan trong cộng đồng, tuy nhiên dịch bệnh vẫn gia tăng khó kiểm soát.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế TPHCM, trong tháng 8 toàn thành phố có 3.088 ca tay chân miệng được báo cáo; trong đó có 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú, tăng 115% so với tháng 7 (1.438 ca). Số trẻ em bị tay chân miệng trong tháng 9 vẫn có chiều hướng gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên toàn thành phố khoảng hơn 10.000 ca.
Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ nửa đầu tháng 9 có đến 235 trẻ nhập viện điều trị nội trú vì mắc bệnh tay chân miệng, gần bằng với số ca nhập viện trong toàn tháng 8 là 283 trẻ. Nếu tính số trẻ đến điều trị ở các phòng khám trong bệnh viện, tính nửa đầu tháng 9 có gần 4.500 trẻ đến khám do mắc tay chân miệng, tăng gần bằng cả tháng 8 (gần 5.000 ca), trong tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh này.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tháng 9 ghi nhận khoảng 50 trẻ nhập viện điều trị vì bệnh tay chân miệng, tăng hơn gấp đôi so với số ca nhập viện vào tháng 8 (20 ca).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết chu kỳ của tay chân miệng là từ tháng 9 đến tháng 12; tại những nơi hay xảy ra bệnh thì có thể có 2 đỉnh dịch: tháng 4, 5 và tháng 9, 10.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cha mẹ cần lưu ý đến sức khỏe cũng như phòng tránh việc lây bệnh của trẻ. Nên cho trẻ ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, uống nước trái cây để có sức đề kháng bệnh, đồng thời, khi thấy trẻ bị bệnh với biểu hiện lở loét tay, chân, mụn nước ở miệng… thì nên cho trẻ ở nhà để được chăm sóc tốt hơn, tránh lây lan cho những trẻ khác ở trường.
Hoàng Nhung