(SGTT) - Chiếc bánh tráng với sọc ô khứa của chiếc vỉ líp phơi bánh truyền thống rất đặc thù của vùng Củ Chi (TPHCM) đã có mặt tại nhiều siêu thị, nhà hàng hay căn bếp ở… 42 quốc gia trên thế giới. Thành quả đó có được là nhờ một doanh nghiệp tại vùng đất này.
Hoài bão đem bánh tráng Việt Nam ra thế giới của anh Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty Duy Anh, bắt nguồn từ ngày còn là du học sinh tại Mỹ, khi anh nhìn thấy bánh tráng Việt Nam mang thương hiệu Thái Lan trong siêu thị. Là một người con sinh trưởng trong làng bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi), anh Duy Toàn nghĩ “người Thái mua 100% bánh tráng từ Việt Nam, đóng gói lại rồi ghi “Made in Thailand”, vậy tại sao mình không đưa chiếc bánh tráng của gia đình, của quê hương ra nước ngoài”.
Công nghiệp hóa nghề bánh tráng truyền thống
Năm 2010, Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh được thành lập, chuyên sản xuất bánh tráng bằng máy móc. Đó là một giai đoạn “trầy vi tróc vảy” theo lời anh Duy Toàn, khi mà những loại máy móc còn đơn giản, công nhân chưa quen với việc tráng bánh bằng máy. Mỗi ngày chỉ sản xuất khoảng 200 - 300 kg bánh mà chất lượng lại không đồng đều, bánh chiếc dày, chiếc mỏng lại chưa dẻo, chưa ngon, chưa phẳng. Phải trải qua nhiều năm cải tiến từ từ, chất lượng mới ổn định như bây giờ.
Ngày nay, doanh nghiệp Duy Anh có 45 sản phẩm bánh tráng, bún, phở, mì gồm nhiều kích cỡ và hình dạng như bánh tráng tròn, vuông, tam giác... Về nguyên liệu có bánh tráng, bún, phở gạo lứt, bắp, nghệ, cải bó xôi…
Đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính
Lấy ra một xấp bánh tráng loại 1 với hình tròn hoàn hảo, anh Duy Toàn chia sẻ, bánh đạt chuẩn phải đẹp, phẳng, vuông vức hay bo tròn hoàn hảo. Nguyên liệu làm ra chiếc bánh tráng gồm gạo, bột mì, muối và nước. Với mỗi quốc gia, việc nhập khẩu sẽ đi kèm những yêu cầu về tỷ lệ các loại nguyên liệu khác nhau để tạo ra bánh tráng mềm, dẻo dai hay bánh tráng cứng, dày tùy theo khách hàng yêu cầu.
Chẳng hạn, khách hàng Hàn Quốc chuộng sản phẩm có kích thước 16cm và 18cm để người tiêu dùng cuốn gỏi cuốn hoặc cuốn bò xắt lát khi ăn lẩu hay cuốn thịt nướng. Thị trường Pháp cần bánh tráng để làm nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất chả giò. Đặc điểm của loại bánh này là phải phẳng và có độ dày đồng nhất để máy cuốn chả giò có thể vận hành được ổn định. Hay tại Hà Lan, khách hàng thường đặt bánh với tỉ lệ 50% gạo, 50% bột để sử dụng cả khi cuốn và chiên.
Đội ngũ công ty dựa trên những sản phẩm tiêu chuẩn của doanh nghiệp và yêu cầu của khách hàng để nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới. Có những yêu cầu phải nghiên cứu trong nhiều tháng liền, liên tục thử nghiệm và thay đổi tỷ lệ để tạo ra sản phẩm. Anh Duy Toàn kể, có những yêu cầu có phần “oái oăm” như bánh tráng có hình một chiếc mặt nạ để khách hàng Hàn Quốc làm mặt nạ đắp mặt hay loại bánh tráng cuộn sẵn thành hình trụ và dán kín mép bánh.
Khi nghiên cứu sản xuất ra dòng sản phẩm bánh tráng rau củ, doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn khi bánh làm ra có màu sắc không đồng đều. Bởi rau củ thiên nhiên với độ to, nhỏ khác nhau, rau củ nhiều xơ hay ít xơ đều cho ra thành phẩm có màu sắc khác nhau.
Không ngừng cải tiến vì khách hàng
Bên cạnh đó, bánh tráng xuất đi phải đạt được các kiểm định an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của quốc tế. Do đó, nguyên liệu đầu vào đều được lựa chọn cẩn thận, hạt gạo lấy từ vùng đồng bằng sông Cửu Long phải vượt qua chỉ tiêu về thuốc trừ sâu, phân bón, kim loại nặng…, bột mì tươi chỉ pha chế để sản xuất trong ngày, các loại rau củ được lấy từ nông trại uy tín để bảo đảm không sử dụng chất hóa học…
Ngoài nhãn hiệu bánh tráng Duy Anh đã có tiếng, anh Duy Toàn còn giới thiệu hai nhãn bánh mới, dễ gợi nhớ trong tâm trí khách hàng quốc tế hơn, như bánh tráng Mr Rice - dòng sản phẩm làm từ gạo và Le Brothers - dòng sản phẩm thực dưỡng, có nguyên liệu làm từ rau củ. Anh cũng đang thay đổi bao bì từ ni lông sang loại bao bì giấy cho thân thiện hơn với môi trường.
Với những cải tiến không ngừng, ắt hẳn, doanh nghiệp thực phẩm Duy Anh sẽ còn vươn xa trên trường quốc tế.
Hạnh Tâm