(SGTT) – Với việc ứng dụng loại gạo địa phương, người dân Mỹ Tho (Tiền Giang) đã sáng tạo nên món hủ tiếu Mỹ Tho vang danh xưa nay và được những người sành ăn hủ tiếu khắp mọi nơi đón nhận.
- Bản đồ ẩm thực: Nhất vị đắm say hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh
- Bản đồ ẩm thực: Mát lòng bánh tằm Ngan Dừa xứ Bạc Liêu
- Bản đồ ẩm thực: Món mì đặc trưng xứ Quảng, ai đến cũng phải thử
Theo một số chuyên trang về ẩm thực, hủ tiếu bắt nguồn từ người Hoa ở Campuchia, nên có cái gọi là hủ tiếu Nam Vang. Theo dòng chảy thời gian, món ăn này du nhập vào Việt Nam và tùy ở mỗi vùng miền mà có sự biến tấu nguyên liệu khác nhau.
Nếu như hủ tiếu Nam Vang phổ biến khắp miền Tây Nam bộ, người dân Đồng Tháp luôn tự hào về hủ tiếu Sa Đéc thì tại Tiền Giang, hủ tiếu Mỹ Tho lại là đặc sản để giới thiệu đến du khách gần xa. Điều này cũng dễ hiểu khi mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho được sản xuất từ loại gạo địa phương – Gò Cát – thuộc vùng trồng lúa tại xã Mỹ Phong, tỉnh Tiền Giang.
Thế nên, sợi hủ tiếu nơi đây trong, dai, không chua, dù để lâu trong nước vẫn không bở và mùi thơm của gạo lúc nào cũng thoang thoảng qua. Ngoài hủ tiếu, gạo Gò Cát còn được người làng nghề ứng dụng để làm bún, bánh tráng hay bánh nghệ. Ngày nay, chúng còn được mang đi xuất khẩu sang nước ngoài để phục vụ những người Việt xa quê hương.
Ngoài sợi bánh, nước dùng cũng là phần quan trọng để ghi dấu ấn trong lòng thực khách. Theo đó, nước dùng hủ tiếu Mỹ Tho được hầm từ xương ống heo, khô mực, tôm khô cùng ít gia vị đặc trưng của miền Tây Nam bộ.
Ngày nay, hủ tiếu Mỹ Tho theo chân những người con Tiền Giang lập nghiệp nơi xa xứ rồi chọn cái nghiệp buôn bán là mở hàng quán hủ tiếu. Tuy nhiên, để phù hợp khẩu vị người dân bản địa thì họ biến tấu thêm một số nguyên liệu như thịt cua, bò viên bên cạnh những nguyên liệu cơ bản là trứng cút, tôm, lòng hay sườn heo.
Khi có thực khách yêu cầu, chủ quán sẽ trụng bánh qua nước sôi, cho vào tô rồi xấp lần lượt các nguyên liệu lên mặt trên của bánh, chan nước dùng xâm xấp tô. Dọn kèm theo đó là đĩa rau sống có giá, hẹ, hành, rau xà lách. Một số nơi, còn sáng tạo thêm nước sốt để làm món hủ tiếu Mỹ Tho khô, dành cho những ai thích ăn bánh riêng, thưởng thức nước lèo riêng.
Vậy nên, trong chuyến du ngoạn miền Tây sông nước, nếu có dịp ghé ngang Mỹ Tho, Tiền Giang thì du khách nên tìm thưởng thức món hủ tiếu đặc trưng nơi này. Qua đó, sẽ cảm nhận được sự hiền hậu, chất phác của người Tiền Giang nói riêng và miền Tây nói chung.
Xem kết quả
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An - Phùng My