(SGTT) – Là mảnh đất nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum được thiên nhiên ban tặng cho những sản vật núi rừng độc đáo. Trong đó, gỏi lá được ví như tinh hoa của địa phương này mà du khách nào có dịp ghé thăm cũng đều được người dân nơi đây giới thiệu.

Theo trang web dulichtaynguyen, sở dĩ món ăn này có tên gỏi lá là bởi do nguyên liệu chính của nó đến từ gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan. Và để có được những loại lá này người ta phải vào tận rừng sâu từ tờ mờ sáng để thu gom. Có thể kể đến một số loại lá phổ biến là lá bứa, từ đại bi, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá trâm, chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, lá xoài, đinh lăng, càng cua, tía tô, lá mơ, lá cải…

Thế nhưng không phải cứ vào rừng là gom được lá mà những người này đôi khi phải đối diện với những nguy hiểm ở chốn rừng sâu như rắn độc hay các loài vật nguy hiểm để thu gom lá. Thế nên, gỏi lá không chỉ đơn thuần là một món ăn độc đáo mà nó còn chứa đựng trong đó những tình cảm của người Kon Tum về việc gìn giữ bản sắc văn hóa ẩm thực của mình.

Theo người dân địa phương, để thưởng thức trọn vẹn nhất những tinh túy của gỏi lá thì du khách nên ghé thăm Kon Tum vào mùa xuân, bởi dịp này là lúc các loại cây lá đâm chồi, nẩy lộc tươi tốt.

Nguyên liệu tìm kiếm đã là lắm công phu, thế nhưng, cách thưởng thức và chuẩn bị món ăn cũng không kém phần cầu kỳ. Theo đó, ngoài các loại lá cây thì gỏi chuẩn vị là sẽ dùng kèm với thịt ba chỉ heo thái mỏng, tôm đất rang khô và bì heo thái sợi được trộn với riềng.

Ngoài ra, phần gia vị chấm ăn cùng nhất định phải có đĩa tiêu đen nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt chỉ có tại vùng đất đỏ bazan. Nước chấm của gỏi lá không phải là nước mắm hay nước tương mà nó là được tạo nên từ nước gạo nếp lên men, ủ cùng tôm khô, thịt ba chỉ và xay nhuyễn. Sau đó, thêm mẻ, sa tế và một ít gia vị, đảo đều tay trên ngọn lửa liu riu đến khi mùi hương lan tỏa khắp nơi.

Cuối cùng, phần thưởng thức sao cho đúng điệu cũng là chuyện tưởng chừng đơn giản mà lại không phải vậy. Theo đó, thực khách cần chọn một lá có bản thật to làm lớp ngoài cùng, tiếp đến chọn lá non xếp vào trong tạo hình phễu rồi mới cho các nguyên liệu còn lại vào. Rưới 1 ít nước chấm lên đều phễu là chỉ việc thưởng thức món ăn đặc sắc này.

Thế nên, du khách không có gì quá ngạc nhiên khi nghe người dân bản địa truyền miệng nhau câu nói: “Dù có ghé thăm Kon Tum mà chưa thưởng thức qua gỏi lá thì cũng xem như chưa từng ghé nơi đây”.

Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn

Phúc An - Hoàng Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây