(SGTT) - Bánh rây truyền thống của người Khmer, dù ở một số tỉnh, thành miền Tây có bày bán loại bánh này nhưng tại Trà Vinh nó lại trở thành món bánh dân dã, thiết đãi du khách phương xa khi ghé thăm.
- Bản đồ ẩm thực: Về Sóc Trăng nhớ tìm món bánh có từ thế kỷ 17
- Bản đồ ẩm thực: Trọn vị dân dã, thôn quê với bánh cống Sóc Trăng
Trước đây, bánh có tên là “Ọm Chiếl” (cách gọi của đồng bào Khmer). Theo thời gian, dựa vào các bước trong khâu chế biến mà người ta còn gọi là bánh rây hoặc bánh dứa. Gọi là bánh rây vì người ta dùng một cái rổ bằng lưới để rây bột xuống chảo. Còn với tên gọi bánh dứa là bởi loại bánh này muốn thơm ngon, nếp phải xay chung với lá dứa.
Nguyên liệu để chế biến đơn giản gồm gạo nếp, lá dứa, dừa nạo, đậu phộng và đường cát. Dụng cụ để chế biến thì chỉ cần có chảo, rây lọc, vá và bếp lò. Nguyên liệu và dụng cụ tuy đơn giản nhưng để có được những chiếc bánh thơm ngon, phải trải qua một quá trình chuẩn bị công phu và tỉ mỉ.
Đầu tiên, chọn nếp rặt đem ngâm, để ráo và xay chung với lá dứa tạo mùi thơm và màu xanh đặc trưng, sau đó để khô và giã cho thật nhuyễn. Nhân bánh gồm dừa nạo trộn với đường cát hoặc đường thốt nốt, đậu phộng rang vàng giã nhỏ, xào cho đến khi nhân khô và có mùi thơm dịu nhẹ là món ăn hoàn thành.
Bánh rây thường được bán theo kiểu mang đi. Có dịp đến thăm Ao Bà Om (Trà Vinh), vừa đến ngay đầu đường dẫn vào khu di tích lịch sử, người viết đã bị hấp dẫn bởi hương thơm đặc trưng của bánh.
Quá trình làm ra 1 chiếc bánh chỉ tốn chưa tới 2 phút. Bà chủ bắc chảo trên bếp than nóng, múc bột cho vào rây để loại bỏ những hạt bột lớn. Rây bột thật nhanh tay, tạo thành hình tròn, mỏng đều khắp chảo rồi đậy nắp lại. Khoảng 1 phút thì bánh cong vành, nhanh chóng múc nhân trải dài mặt bánh, lấy vá xếp bánh lại thành hình chữ nhật hoặc hình bán nguyệt. Các thao tác phải tiến hành một cách thuần thục và nhanh chóng, nếu không bánh sẽ bị khét.
Khi bánh chín tỏa mùi thơm ngào ngạt và đặc trưng không lẫn vào đâu được. Trải nghiệm thực tế, người viết rất ngạc nhiên bởi cái mịn, cái giòn mềm của bánh hoà lẫn vị ngọt thanh, vị béo của nếp, của dừa hay của đậu phộng. Càng ăn càng mê mẩn vì hương vị đặc trưng.
Ngày nay, tuy cách chế biến ở mỗi nơi khác nhau nhưng đặc trưng vẫn là mùi thơm lá dứa và vị béo ngọt của cơm dừa. Nếu có dịp đến Trà Vinh hay các tỉnh miền Tây, thức quà vặt bình dị này là món ăn mà du khách không nên bỏ lỡ, từ đó sẽ cảm nhận được văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer chân thành, đôn hậu.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Hoàng Long