(SGTT) - Ngoài danh lam thắng cảnh, Ninh Bình còn níu chân du khách phương xa bởi những đặc sản như dê núi, xôi trứng kiến, bánh đa cá rô… Nổi bật nhất trong đó là cơm cháy Ninh Bình, món quà quê vừa lọt vào top 100 quà tặng đặc sản vùng miền năm 2020.
- Bản đồ ẩm thực: Nồng nàn vị biển vùng đất mũi với cua biển Cà Mau
- Bản đồ ẩm thực: Gỏi bưởi Tân Triều, món quà quê giữa chốn thành thị
- Bản đồ ẩm thực: Dân dã bánh khọt Vũng Tàu
Theo trang web du lịch Ninh Bình, nguồn gốc món ăn có từ cuối thế kỷ 19 và do chàng trai tên Đinh Hoàng Thăng sáng tạo nên. Sau khi từ Hà Nội trở về quê nhà, người này xin làm cho hiệu ăn uống và tích lũy dần kinh nghiệm. Cho đến khi người này xây dựng một nhà hàng chuyên phục vụ cơm cháy và rất thành công thì từ đó thương hiệu cơm cháy Ninh Bình ngày càng phổ biến hơn.
Dù biết là cơm cháy thì đâu đâu cũng có bán, ngay cả ở TPHCM, có đến hàng trăm tiệm ăn vặt bán món này; thế nhưng, những ai đã thưởng thức qua cơm cháy Ninh Bình rồi sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Điều này đến từ nguyên liệu chọn lựa cũng như cách chế biến. Cụ thể, gạo để làm món ăn phải được trộn từ hai loại gạo dẻo và gạo khô để thành phẩm có độ tơi xốp, không quá khô hay cứng.
Rồi khi làm bánh, thợ nấu dùng đến nồi gang để nấu cơm dưới ngọn lửa từ than củi. Khi cơm chín, lấy cơm ra và chừa lại phần cơm dính đáy nồi ủ tiếp trên bếp khoảng hơn chục phút. Đến khi hạt cơm chuyển màu vàng nhạt thì tự khắc bung ra. Lúc đấy, chỉ việc đem lớp cơm này phơi hoặc sấy khô rồi đóng túi bảo quản. Khi thực khách yêu cầu thì mới đem những miếng cơm này đi chiên giòn để phục vụ.
Về thức ăn kèm, ngoài chà bông mằn mặn thì một số nơi còn xào thịt hoặc lòng dê với các loại rau cải cho thực khách thích ăn có chút nước sền sệt. Cái hay của món quà vặt này là nó được bán quanh năm suốt tháng và khá dễ để tìm mua tại Ninh Bình. Đặc biệt, trên các trang thương mại điện tử cũng có bán cơm cháy Ninh Bình. Tuy nhiên, mọi người nên nhớ một số lưu ý sau để nhận dạng cơm cháy có thật sự ngon hay không? Đó là, hạt cơm cần phải chín và xốp đều nhau. Dùng tay bấm thử miếng bánh cơm thấy giòn tan, dễ vỡ và mặt bánh đều màu vàng là bánh ngon.
Một lần ghé thăm Ninh Bình, một lần ghé thăm quần thể di tích quốc gia Cố đô Hoa Lư thì món cơm cháy tại nơi này sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm gần gũi hơn về du lịch, ẩm thực cũng như văn hóa nơi này. Qua đó, sẽ hiểu vì sao nó là món ăn được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập Giá trị ẩm thực châu Á vào năm 2012.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An - Phùng My