(SGTT) - Theo chuyên gia y tế, sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trẻ em có thể “đối mặt” với những phản ứng phản vệ giống như người lớn, một trong những biến chứng khác trẻ có thể gặp phải là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim nhưng tỷ lệ này rất thấp.
- Phụ huynh TPHCM cần lưu ý những gì trước và sau khi tiêm vắc-xin cho trẻ?
- Trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể tiêm cùng các loại vắc-xin khác được không?
- Những điều cần biết về vắc-xin Covid-19 Pfizer sẽ tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi trên toàn quốc
Hiện nay, công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em vẫn đang triển khai tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước như TPHCM, Bình Dương, Ninh Bình và cũng trong hôm nay (2-11), Đà Nẵng tiến hành tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 Pfizer cho hơn 100.000 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo ngại rằng trẻ tiêm vắc-xin có thể gặp phải các phản ứng phụ lâu dài sau tiêm vắc-xin Covid-19, vì cho rằng đây là vắc-xin phê duyệt khẩn cấp, có thể chưa được theo dõi nhiều về hiệu lực và tính an toàn. Đáng lưu ý, khi hiện nay xuất hiện một số thông tin về những biến chứng trẻ có thể gặp phải sau tiêm như viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim... Vậy phụ huynh cần phải làm gì để có thể kịp thời phát hiện trẻ có những biến chứng bất thường, đặc biệt là viêm cơ tim.
Giải đáp vấn đề này, BS. CKII. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), cho biết tại các nước như Châu Âu, Mỹ, Isarel, cũng như một số nước khác trên thế giới khi tiêm chủng cho trẻ em ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em trong mũi tiêm vắc-xin 1 là rất thấp.
Theo các nghiên cứu ở châu Âu như Đức, Pháp, Anh… tỷ lệ dao động từ 40-60 trường hợp/ 1 triệu trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, ở liều tiêm thứ 2, tình trạng này sẽ tăng lên từ 90-120 trẻ/1 triệu trẻ, BS Tiến cho hay.
Đáng chú ý, “biến chứng viêm cơ tim sẽ không xảy ra từ 24-48 tiếng đầu tiên mà có thể xảy ra 1 tuần sau”, BS nói và khuyến cáo, phụ huynh phải theo dõi trẻ ít nhất 1 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau khi tiêm; từ đó kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế và báo cáo tình trạng sức khỏe cho nhân viên y tế để có hướng xử lý đúng.
Với những trường hợp này, các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ nhập viện, điều trị với biểu hiện nhẹ như mệt, đánh trống ngực, vã mồ hôi; đôi lúc cũng có biểu hiện như suy tim (chức năng thuyên giảm), rối loạn chức năng tim…, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho trẻ nhưng đa số là tự khỏi.
Trước đó, trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” vào ngày 29-10, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết trẻ em sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, tỷ lệ phản ứng nặng rất thấp. Tuy nhiên, sau khi tiêm, phụ huynh phải theo dõi trẻ trong vòng 28 ngày, đặc biệt là 3 ngày sau khi tiêm, để mắt đến trẻ em suốt 24h/24h để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
Ngoài ra, sau tiêm vắc-xin, trẻ em cũng không nên vận động nặng, cần nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước. Nếu trẻ có triệu chứng đau đầu, đau cơ, đau khớp, sốt... phụ huynh cần liên hệ nhân viên y tế (số điện thoại theo giấy tiêm chủng) để được hướng dẫn xử lý.
Minh Thảo