(SGTTO) - Với định hướng xây dựng “Hội An – thành phố sinh thái - văn hóa – du lịch”, ngành du lịch Hội An còn nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh hơn nữa loại hình du lịch khám phá sinh thái vùng ven đô.
Từ rừng dừa...
Những năm gần đây, rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP Hội An trở thành điểm du lịch ở Quảng Nam được nhiều người biết tới. Không ai ngờ vùng quê nghèo khó của thành phố, nhà tranh vách lá, thường xuyên cứu đói năm nào bây giờ có đến 75 cơ sở lưu trú đủ loại hình và 149 nhà cho thuê với tổng số 888 phòng đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu lưu trú và nghỉ dưỡng của du khách.
Theo thống kê, tổng lượt khách lưu trú ở Cẩm Thanh năm 2019 đạt khoảng 133.000 lượt. Tổng doanh thu từ cho thuê phòng lưu trú đạt khoảng 220 tỉ đồng, doanh thu từ bán vé tham quan đạt 24 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Vân, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh, cho biết: “Nhờ phát triển đúng định hướng, dựa vào điều kiện tài nguyên thiên nhiên của địa phương nên trong 3 năm trở lại đây, du lịch dịch vụ Cẩm Thanh đã mang lại hiệu quả rất lớn. Nổi trội nhất nhất là gắn kết du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng”.
Thực tế, dù chỉ vài ba năm mà hình ảnh và thương hiệu du lịch sinh thái Cẩm Thanh đã được du khách biết đến. Một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài thành phố đã về đây, phối hợp cùng cư dân địa phương tổ chức các tour du lịch khám phá rừng dừa, trải nghiệm đời sống cư dân vùng sông nước, tìm hiểu các giá trị văn hoá, ẩm thực và sản xuất nông – ngư nghiệp nội vùng Cẩm Thanh.
Mảnh ruộng, con thuyền, đàn trâu, ao cá... vốn gắn bó thân thiết thường ngày, bây giờ tiếp tục đồng hành cùng người dân làm nên các “sản phẩm” phục vụ khách ngoại quốc. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi bơi thuyền thúng, bắt tôm cá với các loại lưới, chài cùng người dân.
Chia sẻ về nhu cầu du lịch khám phá các vùng ven đô, ngoại ô của thành phố, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, nói: “Du khách đến không chỉ ở khách sạn, không chỉ ở đô thị mà du khách đến còn muốn tìm hiểu các giá trị tài nguyên của vùng đất đó, trong đó cái mà hiện nay đang mất dần của cả nước mà đặc biệt Hội An cũng đang mất dần, đó là sinh thái. Thứ hai là họ muốn tìm lại các giá trị của làng, sinh hoạt của cộng đồng làng, nếp sống của làng”.
Theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch, ngành du lịch Hội An đang dần mở hướng phát triển ra vùng ven đô với loại hình du lịch khám phá và trải nghiệm. Với khu phố cổ - trung tâm của thành phố, điểm di sản văn hóa của thế giới đến nay đã quá tải do lượng khách tham quan, tìm hiểu ngày càng tăng cao thì các vùng ven đô, ngoại thành như Cẩm Thanh, Cẩm Kim, một phần của Cẩm Châu… sẽ là điểm đến hút khách, nhất là lượng khách từ các nước công nghiệp phát triển.
Đến vùng quê sinh thái
Phường Cẩm Châu, TP Hội An, sau 15 năm thành lập - chuyển từ đơn vị hành chính cấp xã sang phường, ngành kinh tế du lịch – dịch vụ và thương mại đã trở thành ngành kinh tế hàng đầu. Từ chỗ chỉ có 7 khách sạn vào năm 2004, hiện nay địa bàn Cẩm Châu đã có 32 khách sạn, 156 cơ sở lưu trú gồm biệt thự du lịch, homestay, nhà nghỉ và nhà cho người nước ngoài thuê.
Ông Lương Sơn, Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho biết, ở Cẩm Châu hiện còn hơn 180 ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 40 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái tiềm năng.
Nhờ chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng khu vực, gắn kết sản xuất với phục vụ du lịch, nhất là du lịch khám phá vùng quê sinh thái nên người dân tham gia đã có điều kiện hưởng lợi nhiều hơn.
Vừa qua, UBND thành phố Hội An đã phê duyệt cho Cẩm Châu 2 đề án phát triển để tập trung chỉ đạo trong thời gian tới: “Kế hoạch phát triển du lịch – dịch vụ làng An Mỹ, phường Cẩm Châu" và “Phương án phát triển du lịch sinh thái tại khu vực hồ tôm khối An Mỹ, phường Cẩm Châu”.
Trong bối cảnh gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển đô thị sinh thái – văn hoá – du lịch, với người dân vùng ven đô Hội An, ruộng vườn, hồ ao... không chỉ là nơi sản xuất, canh tác mà còn là nơi tổ chức, làm ra các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, làm tăng lợi nhuận và nâng cao giá trị các sản phẩm từ nông – ngư nghiệp. Các tour, tuyến du lịch khám phá làng quê – sông nước – biển đảo, các dịch vụ lưu trú homestay, các loại hình du lịch cộng đồng... đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch thu hút du khách đến Hội An.
“Những tour trải nghiệm gần đây đã mang lại hiệu quả rất tốt. Ví dụ như một ngày làm nông dân Trà Quế, cày bừa ở Cẩm Thanh, đi du lịch ở vùng ven nông thôn, rồi chuốt gốm, làm đèn lồng… Một số hoạt động mang tính trải nghiệm đã mang lại sự thích thú hấp dẫn đối với nhiều du khách”, ông Trần Ánh, Chủ tịch HĐND thành phố Hội An, nói.
Năm 2020 này, lãnh đạo TP Hội An tiếp tục chỉ đạo mở rộng không gian phát triển du lịch gắn với khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; triển khai nhanh phương án du lịch cộng đồng ở làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, tổ chức tuyến tham quan nội vùng và liên vùng xã Cẩm Kim, sắp xếp các điểm du lịch tại các làng gốm Thanh Hà, Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm; khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới ngoài lĩnh vực lưu trú và tại các vùng ven, làng quê, làng nghề, hải đảo; xúc tiến một số dự án du lịch mới ở các khu dân cư ven đô thành phố.
Đỗ Huấn