(SGTTO) - Bánh chưng, bánh giầy được xem là hai món ăn tượng trưng cho đất và trời, thường được làm lễ vật dâng lên bàn thờ vua Hùng ngày giỗ tổ. Trong đó, bánh giầy là món ăn chơi, ăn sáng có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.
Bánh giầy được làm từ bột nếp. Thời xa xưa, nhiều nơi còn giã nhuyễn xôi nếp đã nấu chín khi còn nóng để làm bánh giầy. Bánh giầy có hai loại phổ biến là bánh giầy kẹp chả và bánh giầy đậu (nhân mặn hoặc ngọt). Hiện nay, bạn có thể làm chiếc bánh giầy nhanh chóng và đơn giản hơn với bột nếp đã giã nhuyễn sẵn.
Bánh giầy truyền thống (bánh giầy kẹp chả)
Đây là loại bánh khá tinh khiết, ít chất béo và không ngọt, thích hợp với những ai sợ tăng cân. Nếu không thích ăn chả, bánh giầy có thể ăn cùng các loại thịt khác, tùy theo sở thích của mỗi người.
Nguyên liệu:
- 200g bột nếp
- 20g bột gạo tẻ
- 200ml nước lọc hoặc sữa tươi không đường
- 1/3 muỗng cà phê muối
- Chả lụa hoặc chả quế (tùy ý)
- Một ít lá chuối đã lau sạch
Cách làm:
- Bước 1: Cho bột nếp và bột gạo tẻ vào tô, sau đó thêm muối, nước lọc (hoặc sữa không đường nếu muốn có hương vị thơm và béo hơn). Trộn đều hỗn hợp đến khi bột tạo thành khối dẻo, mịn, không dính tay.
- Bước 2: Nặn bánh thành những viên trò vừa ăn, ấn dẹp.
- Bước 3: Đặt bánh trên lá chuối đã phết dầu ăn để chống dính cho bánh khi chín. Sau đó, đem bánh hấp chín trong 10 phút.
- Bước 4: Kiểm tra bánh sau khi hấp: bánh chín có độ dẻo, mịn, không quá nhão hoặc dai là đạt.
Bánh giầy truyền thống có thể để từ 3 - 4 ngày mà không bị cứng hoặc chua. Bạn có thể trữ trong tủ lạnh, khi ăn chỉ cần hấp lại là bánh sẽ mềm, dai như mới.
Bánh giầy nhân đậu xanh
Bánh giầy đậu không dùng bột gạo và được trộn bằng nước ấm để giữ được độ dẻo, dai. Món bánh này thơm ngon và thích hợp để làm quà biếu, tặng. Với công thức từ kênh Góc Bếp Nhỏ, bạn có thể làm bánh giầy nhân đậu mà không cần sử dụng nồi hấp.
Nguyên liệu:
- 200g bột nếp
- 150g đậu xanh
- 70g đường
- 180ml nước ấm 50 – 60 độ C.
- 10 – 15g mè (vừng) trắng
- 2g muối
- Dầu ăn
Cách làm:
- Bước 1: Đậu xanh nấu chín mềm, lấy 2/3 phần đậu xanh để sên cùng đường và một muỗng canh dầu ăn đến khi không còn dính chảo. Thêm mè để tăng hương vị cho phần nhân. Nếu muốn ăn béo hơn, bạn có thể cho thêm nước cốt dừa.
- Bước 2: Nặn nhân thành viên tròn vừa ăn, đậy kín để nhân không bị khô.
- Bước 3: Đem bột nếp trộn đều với muối và một muỗng canh dầu ăn, sau đó cho nước ấm từ từ vào hỗn hợp bột, trộn đến khi bột tạo thành khối dẻo, mịn, không dính tay.
- Bước 4: Nặn bột thành viên tròn, nhấn dẹp. Nấu nước sôi, cho bột vào luộc chín trong khoảng 15 phút.
- Bước 5: Vớt bột ra, giã mịn khi bột còn nóng để bột có độ quánh, dẻo. Sau đó nặn bột thành miếng tròn, dẹt rồi cho nhân đậu vào bên trong.
- hai Giã nhỏ 1/3 phần đậu xanh còn lại, lăn bánh qua đậu xanh đã giã để bánh không bị dính, tăng hương vị.
Nhân bánh giầy đậu có thể biến tấu thành nhân mặn. Theo đó, thay vì sên với đường và nước cốt dừa, bạn có thể xào chín mỡ hoặc ba rọi xắt nhuyễn, nêm vừa ăn và cho đậu vào xào cùng làm nhân.
Yến Nhi