(SGTTO) - Nhân kỷ niệm năm thứ 9 mục từ “bánh mì” được từ điển Oxford ghi nhận (24-3-2011 đến 24-3-2020) và hiện tượng Google đưa bánh mì thành hình Doodle ở 12 quốc gia trên thế giới, Sở Du lịch TPHCM phối hợp Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Google tổ chức các hoạt động giới thiệu món ăn này rộng rãi hơn.
Sáng 25-3, đại diện của Sở Du lịch TPHCM đã giới thiệu về ý nghĩa Ngày bánh mì Việt Nam tại Bưu điện Trung tâm TPHCM và cùng doanh nghiệp Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam phát động phong trào quảng bá bánh mì Việt trong các đơn vị du lịch.
Song song đó, từ ngày 24 đến 31-3, trong tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”, nhiều hoạt động khác cũng được Sở Du lịch đưa ra, hướng tới cộng đồng trong và ngoài nước.
Bánh mì ngày xưa: nướng trong thùng phuy
Tại sự kiện, ông Kao Siêu Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, nhà sáng lập thương hiệu bánh ABC, đã kể lại quy trình làm bánh mì từ thời xa xưa.
Nguyên bản của bánh mì là món bánh bột mì chấm với nước sốt hoặc dùng cùng các món mặn từ nước ngoài. Khi sang Việt Nam vài thế kỷ trước, bánh mì đã được Việt hóa thành món bánh có nhân đủ loại, đậm đà bản sắc ẩm thực Việt Nam.
Ngày trước, người ta thường dùng thùng phuy để làm lò nướng bánh mì. Tất cả quy trình nhào bột đều làm thủ công trong nhũng cối đá lớn. Ông cùng người nhà sáng nào cũng dậy sớm bắt bếp và nhào bột để làm bữa sáng cho khách.
Bánh mì ngày càng được yêu thích và được người Việt dùng hàng ngày trong bữa ăn sáng nên người ta phải chế tạo máy nhào bột, máy cắt chia bột tự động và lò nướng hiện đại để sản xuất công suất lớn. Ông Lực cũng tự chế tạo máy cắt bánh mì bằng tia nước để cắt bánh đẹp hơn.
Bánh mì ngày nay thường được dùng với nhân thịt, pa tê bơ hoặc thịt heo quay. Người dân cũng ăn bánh mì với nước sốt, cà ri các loại.
Nhiều hoạt động trong tuần lễ "Tôi yêu bánh mì Sài Gòn"
Tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” cũng được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp trong thành phố. Nhiều khách sạn 3, 4, 5 sao đều có chương trình đặc biệt phục vụ bánh mì trong các buổi ăn sáng.
Các khách sạn như khách sạn Rex, Grand Hotel Saigon, Pullman, Caravelle Sài Gòn, Continental… đều có khu vực trưng bày “Bánh mì Sài Gòn”.
Một số tiệm bánh mì có tiếng của Sài Gòn như Hồng Hoa, Bánh mì Tuấn Mập, Bánh mì Bảy Hổ, Bánh mì tươi, Bánh mì 362… có các chương trình quảng bá, giới thiệu bánh mì Sài Gòn với nhiều hình thức. Đặc biệt, tiệm bánh mì Hồng Hoa sẽ giới thiệu bánh mì khổng lồ nặng 1kg với kích thước 70x40cm.
Sở Du lịch cũng phối hợp với nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong và Brandbeats Music Agency thực hiện ca khúc “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”.
Ứng dụng Go-Viet và Now.vn của Foody sẽ giới thiệu chiến dịch Tôi yêu bánh mì Sài Gòn trên hệ sinh thái của mình. Người dân và du khách có thể đặt mua bánh mì giao tận nhà để phòng tránh virus Covid-19 và được hưởng các ưu đãi qua 2 ứng dụng này.
Đặt hashtag "ToiyeubanhmiSaiGon"
Cùng chiến dịch ý nghĩa này, Sở Du lịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng, người dân trên cả nước và khách du lịch quốc tế chung tay hưởng ứng chia sẻ tình yêu của mình đối với bánh mì Sài Gòn cùng với thông điệp “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”, “I really love Bánh mì Sài Gòn”.
Thông điệp này có thể tạo trên các trang Facebook của cá nhân, tổ chức với hashtag: #Toiyeubanhmisaigon, #vibranthochimincity #vibranteverywhere,everyone.
Ngày 24-3-2011, từ điển Oxford, một trong những từ điển tiếng Anh uy tín nhất thế giới, đã đưa “bánh mì” viết nguyên bản tiếng Việt thành một mục từ trong từ điển của mình.Đây là sự công nhận của cộng đồng du khách quốc tế đối với nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam. Việc ghi nhận mục từ “bánh mì” của từ điển Oxford đã góp phần đánh dấu Việt Nam và Sài Gòn – TPHCM trên bản đồ du lịch quốc tế, hấp dẫn khách ở các nước tìm đến thưởng thức.
Mỹ Huyền