THÙY DUNG -
Theo một khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, với mức tiền lương trung bình một tháng khoảng 3,817 triệu đồng, người công nhân đang rất khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người cho rằng họ không đủ sống với thu nhập hiện tại nên phải tằn tiện hết mức chứ đừng nói chi đến tích lũy.
Tiền học, tiền nhà, tiền ăn
Có mặt tại một dãy nhà trọ gần một khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận sự ngột ngạt nơi đây trong những khu nhà thấp nhỏ dưới không khí oi nồng của những ngày hè. Trong một căn nhà cấp 4, rộng chưa đầy 10 m², anh Tuấn, một công nhân vừa trở về sau tăng ca, cho hay tiền lương của hai vợ chồng tháng này chỉ khoảng 8 triệu đồng trong khi bao nhiêu thứ phải tiêu. “Tháng nào hai vợ chồng cũng thâm hụt, phải chạy vạy khắp nơi mới đủ lo cho con cũng như chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu nhất chứ đừng nói gì tới hoạt động giải trí”, anh nói.
Theo anh Tuấn, do không có hộ khẩu tại Hà Nội nên không thể cho con gửi trường công. Con anh gửi trường tư hết 2 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà 1,2 triệu đồng/tháng, rồi còn tiền điện, tiền nước, ăn uống, chi phí sinh hoạt, cưới hỏi… nên tháng nào gia đình anh cũng thiếu trước hụt sau. Anh than: “Hai vợ chồng phải làm thêm giờ nhưng rất mệt. Con cái ở nhà vất vưởng không ai trông nên tôi cũng rất lo lắng”.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho hay trường hợp như anh Tuấn không phải hiếm. Hiện nay, Hà Nội có chín khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, thu hút 594 dự án đầu tư. Mặc dù năm 2015, lương tối thiểu vùng đã đươc điều chỉnh lên trung bình 14,8% nhưng vẫn quá thấp, mới đáp ứng được 60-65% mức sống tối thiểu của người lao động. “Để đảm bảo được đời sống cho người lao động, chúng tôi đã phải đàm phán thương lượng với doanh nghiệp để điều chỉnh lương cơ bản nhưng việc này cũng không cải thiện được nhiều”, ông Thắng nói.
Không thể tích lũy
Hôm 13-8 vừa qua tại Hà Nội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ) tổ chức hội thảo về “Báo cáo điều tra mức sống tối thiểu và tiền lương”. Theo đó, TLĐLĐ công bố kết quả khảo sát thực hiện 1.600 phiếu hỏi với người lao động, chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất tại 10 tỉnh, thành trên cả nước, cho thấy lương trung bình của người lao động chỉ khoảng 3,817 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, người lao động còn được nhận thêm một số khoản như làm thêm giờ, tiền trợ cấp nhà ở, xăng xe, năng suất… nhưng không nhiều.
Cũng theo kết quả khảo sát này, mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực được khảo sát) là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Trong đó, phần lớn tiền lương của họ được dùng cho con cái như gửi trẻ, thuê nhà, tiền điện, nước, các hoạt động lễ lạt, các nhu cầu lương thực, y tế.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ, nói rằng nếu so sánh giữa thu nhập và chi tiêu sẽ cho thấy cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Cụ thể, qua khảo sát có đến 20% công nhân cho rằng thu nhập không đủ sống, hơn 30% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm, hơn 40% vừa đủ trang trải cho cuộc sống, 8% cho là có dư và tích lũy. Cũng theo ông Chính, đánh giá mức độ hài lòng với việc làm và thu nhập hiện tại thì có tới hơn 1/3 người lao động “không hài lòng”; hơn 50% “tạm hài lòng” và chỉ 15% “hài lòng”.
Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (thuộc TLĐLĐ), đa số công nhân lao động hiện nay không đảm bảo mức sống tối thiểu cần có khi mà mức lương quá thấp.
Tăng lương tối thiểu bao nhiêu thì đủ?
Trước khi diễn ra cuộc hội thảo nói trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có những buổi họp bàn liên quan đến tăng lương tối thiểu trong sản xuất. Đại diện VCCI cho hay lương tối thiểu năm nay chỉ nên dừng ở mức 10% để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Ông Lê Nho Thướng, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho hay theo tính toán của doanh nghiệp dệt may, với một doanh nghiệp trung bình có 10.000 lao động, mức tăng lương tối thiểu năm nay lên 15% thì chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên khoảng 80 tỉ đồng. Lợi nhuận doanh nghiệp theo đó sẽ giảm đi rất nhiều. “Chúng tôi ủng hộ tăng lương nhưng nếu tăng lương cao quá thì chắc chắn vùng một và vùng hai không hoạt động được. Còn lại vùng ba và vùng bốn thì có thể nhưng kỹ năng lao động ở đó rất thấp, đường sá xa xôi, người nước ngoài không muốn đặt hàng thì doanh nghiệp đó cũng khó có thể sống”, ông Thướng nói.
Nhưng theo ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động của TLĐLĐ, sau khi điều tra khảo sát về mức sống tối thiểu của người dân, TLĐLĐ có đủ căn cứ để kiên quyết giữ mức tăng lương tối thiểu năm 2016 vào khoảng 16,8%, tức lương tối thiểu tăng lên 3,65 triệu đồng/tháng vùng một. Đồng thời, TLĐLĐ sẽ kiên trì việc đề xuất với Chính phủ để khẳng định lộ trình đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu. “Trước đây Nghị quyết Trung ương 3 đã đưa ra lộ trình đến năm 2015 mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu nhưng sau đó lùi lại đến năm 2018 vẫn chưa được. Vậy thì đến bao giờ lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu? Chúng tôi cần một lộ trình rõ ràng để đưa ra mức tăng lương mỗi năm một cách hợp lý nhất”, ông Sang nói.