(SGTTO) – Mâm cỗ cúng ngày tết của người dân ba miền tuy vẫn giữ những nét đặc trưng nhưng theo nếp sống hiện đại, nhiều gia đình đã thay đổi chút ít các món ăn và số lần cúng. Sự thay đổi này phù hợp với nhịp sống nhanh nhạy, hòa nhập văn hóa vùng miền.
Sáng Mùng 1, bà Nguyễn Thị Hồng (Củ Chi, TPHCM) cùng ba người con chuẩn bị mâm cúng đầu năm. Theo lệ mỗi năm, để tránh giết mổ, món gà đã được bà Hồng để tủ lạnh từ hôm qua, chéo sẵn cánh theo phong tục cúng bái truyền thống.
Món truyền thống lẫn hiện đại
Bà Hồng kể: “Ngày trước tôi đi làm dâu, ba ngày tết cúng rất nhiều thứ. Nào là bánh tét, thịt kho hột vịt, canh khổ qua, bún xào, thịt xào, chả giò, gà luộc chéo cánh, gỏi, dưa kiệu, dưa chua, trái cây... Mấy chị em dâu phải dậy từ sớm để sửa soạn để kịp cúng vào khoảng 11 giờ trưa”.
Bây giờ, do con cái đã có gia đình riêng, ngày tết chỉ tụ về chủ yếu sáng Mùng 1 nên mâm cúng của bà cũng đơn giản hơn. “Nhưng cúng gì thì cúng, mâm cúng luôn có bánh, thịt kho, gà luộc, trái cây. Những thứ mà tôi đã nấu nướng công phu với lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên. Tôi cũng thay mặt cả nhà đọc lời khấn tổ tiên phù hộ”, bà nói. Tùy năm mà vợ chồng người con trai đặt bánh hoặc được tặng biếu, nhà bà sẽ ăn bánh tét hoặc bánh chưng chứ không câu nệ phải là bánh tét miền Nam như xưa.
Gia đình anh Lâm Út, nhà ở Đức Hòa, Long An có cách cúng cơm đầu năm khá đơn giản. Anh phụ vợ luộc gà, cắt chả lụa, bày tôm khô củ kiệu, lạp xưởng chiên, dưa hấu đỏ... để mâm cúng có màu sắc tươi vui. Sau đó anh và vợ cùng con gái 7 tuổi sẽ ăn bữa ăn đầu năm.
Theo chia sẻ của anh Út, gia đình anh thường cúng trưa ba mươi để đón ông bà tổ tiên về ăn tết, cúng giao thừa, cúng đầu năm để chào đón một năm mới và cúng ngày Mùng 3 để tiễn tổ tiên. “Thường thì mâm cúng ngày Mùng 1 là quan trọng, tươm tất nhất. Cúng đêm ba mươi thì thường có trái dừa tươi, dĩa bánh mứt, trái cây... Mùng 3 thì thường gia đình tôi có gì cúng đó”, anh nói.
“Có gì cúng đó”
Gia đình chị Thúy Hạnh ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng chuẩn bị mâm cúng tươm tất vào ngày đầu năm với mong muốn một năm an vui, thuận lợi. Các món của nhà chị gồm gà luộc chặt sẵn, canh măng, nem rán, rau cải xào, bánh chưng, xôi nếp rau xào, canh thập cẩm, giò nạc, giò xào... được chế biến tươm tất.
Nhiều gia đình giữ tục cúng chay vào ngày đầu năm với niềm tin sẽ có không khí thanh tịnh sau một năm ăn đồ mặn. Gia đình chị Trần Quyên ở quận 11, TPHCM, gốc Bắc nên trước giờ cơm trưa, cả nhà sẽ quay quần để dâng mâm cúng thường gồm các món chay: nấm kho, canh nấm, rau xào, trái cây... Chị nói: “Ba ngày tết ngày nào nhà tôi cũng cúng cơm buổi trưa tùy theo những món mà mẹ đi chợ mua đồ nấu. Riêng hôm nay Mùng 1 thì cúng chay, năm nào cũng vậy”. Vì vậy, cả nhà đều có mặt đông đủ để thực hiện lễ cúng.
Đối với những gia đình đông người thì vậy, nhưng cuộc sống hiện đại khiến gia đình chỉ có một người hoặc gồm cha mẹ và một - hai con nhỏ trở nên phổ biến. Nhiều người tết không về quê mà ở lại các thành phố lớn, thế nên phong tục cúng ngày tết cũng có nhiều thay đổi.
Anh Văn Hoàng, quê ở Khánh Hòa, đón tết một mình ở quận Bình Thạnh, TPHCM do công việc không về quê được. Anh kể: “Tôi đặt xôi gấc, nhờ người quen kho giúp ít thịt, mua ít chè trôi nước, tự xào thêm đậu rồng với thịt bò để cúng thôi. Quan trọng là lòng thành của mình”. Năm nào có nhiều thời gian hơn thì mâm cúng của anh sẽ “thịnh soạn” hơn.
Gia đình chị Phạm Bảo, gốc miền Trung, cũng ăn tết tại TPHCM. Mâm cúng ngày tết của chị đẹp mắt với xôi gấc, chè trôi nước, chả giò, canh nấm thịt heo, rau sống, bánh mứt, trầu cau. Chị còn bày đĩa nem chua, chả bò – món ăn quen thuộc của người Quảng Nam, Đà Nẵng. Mâm cúng của chị được bày trên những chiếc đĩa gốm xuất xứ từ làng gốm ở Bình Dương, thắp nhang trầm nên nhìn vừa mộc mạc vừa trang nghiêm. "Nhà tôi gốc Huế nên ngày trước mâm cúng khá cầu kỳ, nhưng nay cũng giản lược bớt cho phù hợp cuộc sống bận rộn", chị nói.
Tại sao lại cúng trong dịp tết?
Theo những nhà nghiên cứu văn hóa, mâm cúng dịp tết có thể kể đến cúng tất niên, giao thừa, tân niên... với những nét khác biệt giữa các vùng miền và thói quen của mỗi gia đình. Cúng tất niên là để tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, là dịp cả nhà tụ họp quây quần bên nhau. Người Việt cũng như các dân tộc châu Á khác rất trọng việc nhớ ơn tổ tiên và sum họp gia đình.
Cúng giao thừa hay còn gọi là trừ tịch, với mục đích trừ khử ma quỷ, tiễn đưa vị quan trong 12 con giáp trông coi năm cũ và đón vị quan mới. Lễ cúng thường tiến hành ngoài trời, có hai ngọn đèn cầy, bánh chưng hoặc bánh tét, kẹo mứt, trái cây, xôi chè... Người cúng ăn mặc trang nghiêm, đọc sớ cúng, thắp nhanh cầu khấn. Lễ cúng tân niên vào sáng hoặc trưa Mùng 1 mang ý nghĩa tỏ lòng thành kính với tổ tiên, là dịp cả nhà đoàn tụ chia sẻ những vui buồn trong năm cũ.
Dù thịnh soạn hay không thì mâm cúng ngày tết cũng là phong tục thờ cúng tổ tiên được gìn giữ qua bao đời, cần được tiến hành một cách nghiêm cẩn. Nhiều người còn quan niệm mâm cúng trọng thể thì cả năm cả nhà cũng sẽ đầy đủ như vậy, nên ra sức chăm chút cho mâm cúng cũng là điều dễ hiểu.
Bình Liêu