(SGTTO) – Bánh trăng khuyết, rau diếp, bánh bao, sủi cảo… là những thức ăn mà người dân châu Á ưa chuộng trong dịp tết Nguyên đán. Theo quan niệm lâu đời truyền đến ngày nay, những món này sẽ góp phần mang lại may mắn, phúc lộc cho mọi người mọi nhà.
Cũng chính vì niềm tin đó, ngày tết của người châu Á càng thêm rộn ràng bởi quá trình mua sắm, nấu nướng các món ăn.
Mông Cổ: bánh bao, thịt cừu
Thông tin từ trang discovermongolia.mn, ngày tết của người Mông Cổ thường được gọi là Tsagaan Sar, thường diễn ra trong ba ngày đầu của năm mới, trùng với ngày tết Âm lịch của một số quốc gia châu Á khác. Trước năm mới một ngày, các gia đình người Mông Cổ sẽ quay quần vào buổi tối, cùng ăn một loại bánh bao với tên gọi buuz, bánh nướng, bánh nhân thịt bò, thịt cừu, tráng miệng bằng sữa chua.
Những món ăn ngày lễ Tsagaan Sar của người Mông Cổ được chuẩn bị công phu trước đó với mong muốn một năm mới đủ đầy, no ấm. Ngoài ẩm thực ngày tết đa dạng, người Mông Cổ cũng tôn trọng những truyền thống lâu đời như dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, đi thăm người thân, tục mừng tuổi, thắp đèn bàn thờ Phật…
Triều Tiên: món songpyeon truyền thống
Kể từ năm 1989, phong tục ăn tết cổ truyền của người dân Triều Tiên được phục hồi. Không giống như Việt Nam, tết Nguyên đán của Triều Tiên – gọi là Seol - chỉ kéo dài khoảng 3 ngày, và đây là khoảng thời gian vui vẻ hào hứng của dân tộc còn nhiều bí ẩn này.
Người Triều Tiên thường dùng món songpyeon – một loại bánh làm từ bột gạo giã mịn có hình trăng khuyết – trong ngày đầu tiên của năm mới. Bánh được làm thành nhiều màu khác nhau và bày trên đĩa như một đóa hoa đẹp mắt. Món ttok-kuk từ nước gạo, bánh gạo và đậu xanh cũng là một món ăn truyền thống ngày tết của Triều Tiên với ý nghĩa thêm một mùa xuân tới.
Theo The Independent, người dân Triều Tiên rất tôn trọng truyền thống nên gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ công phu để cúng tổ tiên vào sáng sớm ngày đầu năm. Một trong những món ăn mà người Triều Tiên dâng lên tổ tiên là cơm nếp trộn mật ong, hạt dẻ, tương… có màu nâu và được trang trí đẹp mắt, với ước mong một năm sung túc sẽ đến. Món này cũng được dùng làm quà biếu dịp tết.
Người Triều Tiên không có quá nhiều chỗ vui chơi trong ngày tết, do đó họ thường cùng nhau chơi bài, uống rượu. Điều đặc biệt là theo quan niệm của người Triều Tiên, thanh thiếu niên 16 tuổi có thể tự tổ chức tiệc rượu cho mình vì tuổi này được cho là đã khôn lớn, chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Sau những bữa ăn, người Triều Tiên cũng sẽ đi thăm và chúc tết họ hàng, thầy cô, sau đó có thể họ sẽ tham gia các trò chơi truyền thống ngoài đường phố.
Trung Quốc: ẩm thực tết phong phú
Là quốc gia châu Á có lịch sử ẩm thực phong phú, thế nên ngày tết của người dân Trung Quốc thật sự “hoành tráng” với nhiều món ăn hấp dẫn.
Theo trang supchina.com, món phổ biến nhất trong ngày tết ở Trung Quốc là bánh bao, tượng trưng cho hình ảnh gia đình sum vầy. Món này được các gia đình thưởng thức vào đêm giao thừa cùng nhau. Bánh bao còn biểu thị cho sự thịnh vượng, giàu có. Một số gia đình còn đặt một đồng tiền vàng trong số những chiếc bánh bao cho ai may mắn tìm được.
Món sủi cảo cũng được chuộng, thường có nhân làm từ thịt heo hoặc thịt bò xay, măng, bắp cải, hành lá, riêng vỏ bánh có hương vị của gừng, mè, tỏi… Người dân còn ăn chả giò và trứng cuộn vì chúng tượng trưng cho sự giàu có với hình dạng như thỏi vàng. Chả giò được cuộn với thịt heo và tôm xé nhỏ, nấm, tỏi, chiên vàng và nhúng vào mù tạt nóng hoặc nước sốt mận.
Một số món ăn của người Trung Quốc đọc lên nghe có âm như sự may mắn, giàu có, vì vậy những thức như cam và quýt, rau diếp, hàu khô được người dân nơi đây dùng trong dịp tết. Ngoài ra, người dân còn ăn gà xé trộn với hành lá, gừng, nước sốt và các món khác từ gà trong những ngày tết.
Hàn Quốc: súp bánh gạo
Bữa ăn dịp năm mới của Hàn Quốc là súp bánh gạo (dduk gook). Theo trang maangchi.com, người dân Hàn Quốc quan niệm rằng mỗi dịp năm mới chứ không phải là dịp sinh nhật, họ sẽ thêm một tuổi, do đó ăn bánh gạo sẽ giúp họ không thể già đi. Bánh gạo cũng là món ăn phổ biến trong những dịp lễ quan trọng khác của xứ sở kim chi, hình ảnh bánh gạo màu trắng thể hiện ước mong năm mới mọi việc thuận lợi.
Người Hàn Quốc còn ăn một món quan trọng trong ngày tết là món thịt viên làm từ thịt heo và thịt bò. Trong số các món từ rau, thì món rau trộn namul với ba màu xanh, trắng, nâu cũng được chuộng, gồm các loại rau như giá đỗ, dưa chuột, hành, tỏi…
Các gia đình thường dùng món tráng miệng là yakgwa có hình bông hoa xinh xắn màu nâu trong, được làm từ bột lúa mạch, mật ong, dầu mè; hoặc món bánh jeon làm từ bột mì, thịt, hải sản… và có hình dạng như món trứng chiên của Việt Nam.
Lào: món lạp mang lại tài lộc
Theo trang golaos.tours, lạp là một trong những món ăn truyền thống ở Lào ngày tết, hay còn được gọi là gỏi Lào. Món này làm từ các loại thịt bò hoặc heo, gà đều được và thường ăn kèm dưa chuột. Lạp cũng là món ăn quan trọng đối với những người làm kinh doanh ở Lào với ý nghĩa đem lại cho họ may mắn, tài lộc trong sự nghiệp.
Lạp cũng là món người Lào tặng nhau như một thức quà cho năm mới hoặc dùng đãi khách với sự trân trọng. Món này được chế biến tỉ mỉ với các công đoạn ướp thịt với loại mắm riêng, sau đó trộn với nhiều loại rau thơm và nước ướp có vị đắng đặc trưng, thêm thính gạo cho thơm. Lạp thường có vị cay, được ăn kèm với xôi, bắp cải, đậu đũa, lá me rừng… Người Lào đôi khi cũng nướng thịt và chế biến thành món lạp tương tự như trên để có vị lạ cho món ăn.
Bình Minh