(SGTTO) – Theo Thông tư 59 của Bộ Giao thông Vận tải, từ năm 2020, tất cả các nhãn hàng sẽ phải gắn nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.
Dựa theo bảng đo nhiên liệu đã được kiểm chứng thì Yamaha Grande gây bất ngờ về mức tiêu thụ nhiên liệu ít nhất trong số các xe tay ga tại Việt Nam.
Người dùng chuyển từ xe số sang tay ga
Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ xe số sang xe ga cộng với việc không có thế mạnh ở thị trường xe ga sẵn như Honda. Chiếc xe Grande đã tạo nên ấn tượng mạnh với chỉ số tiêu thụ nhiên liệu của mình. Với khối động cơ Bluecore 125cc, theo ông Yano Takeshi, Chủ tịch Yamaha Việt Nam thì Grande có mức tiêu hao 1,69 lít/100km.
Đây là thông số mức tiêu hao nhiên liệu được kiểm định bởi cơ quan nhà nước. Thông qua việc dán nhãn năng lượng được kiểm định bởi cục đăng kiểm Việt Nam, khách hàng đã có thể có một cơ sở tin cậy để đánh giá mức tiêu thụ nhiên liệu chuẩn xác thay vì những khái niệm chung chung như hiện nay.
Với Honda Việt Nam, mức công bố tiêu hao nhiên liệu cho các mẫu xe phổ biến là: Lead 2,02 lít/100km, SH125 2,46 lít/100km, Air Blade 1,99 lít/100km, Vission 1,87 lít/100km, SH Mode 1,9 lít/100km.
Với Yamaha, mức công bố công khai cho Latte là 1,8 lít/100km, Janus bản tiêu chuẩn 1,87 lít/100km, NVX tiêu chuẩn 2,23 lít/100km, Freego là 1,97 lít/100km.
Yamaha Việt Nam và Honda Việt Nam là hai đơn vị chiếm thị phần áp đảo tại thị trường trong nước đã công khai mức tiêu hao nhiên liệu cho từng mẫu xe. Các thương hiệu khác hiện vẫn chưa công khai hoặc chưa công bố rộng rãi về mức tiêu thị nhiên liệu trên trang web chính thức.
Việt Nam đang nằm trong top 3 thị trường tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, ước tính cả năm 2019, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM bán được khoảng 3,2 triệu xe máy các loại, thấp hơn con số 3,38 triệu xe của năm 2018. Nếu tính tổng thị trường bao gồm cả những doanh nghiệp không thuộc VAMM thì vào khoảng 3,35 triệu xe.
Công khai mức tiêu thụ
Như vậy, sau hai năm từ khi triển khai việc bắt buộc dán nhãn năng lượng với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống tại Việt Nam, quy định này đã được áp dụng với xe máy.
Trước đó, từ đầu năm 2020, Thông tư 59/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chính thức có hiệu lực.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương. Các đơn vị này phải dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.
Nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe máy duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe.
Nam Hưng