Thứ tư, Tháng hai 5, 2025

Mắc cúm mùa có thể dẫn đến tử vong, nguyên nhân do đâu?

(SGTT) - Theo các bác sĩ, bệnh cúm thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, suy thận, suy gan...

Vừa qua, nhiều tờ báo tại châu Á đã đưa tin, một nữ diễn viên nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 48 do viêm phổi sau khi nhiễm cúm mùa trong chuyến đi du lịch cùng gia đình. Sự ra đi đột ngột của nữ diễn viên này làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của căn bệnh mà một người vẫn coi là bệnh “cảm vặt” thông thường. 

Người có bệnh nền nên cẩn trọng với cúm mùa

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm, thông thường vào mùa đông xuân, số ca bệnh có thể sẽ tăng và ảnh hưởng đến nhiều gia đình, đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già và phụ nữ mang thai.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, khi hắt hơi. Cúm cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus như quần áo, đồ dùng.

Bác sĩ Minh cho biết, trong hai ngày đầu tiên khi nhiễm virus cúm có thể không có triệu chứng gì để nhận biết. Giai đoạn khởi phát từ ngày thứ 3, triệu chứng đột ngột xuất hiện bao gồm sốt nhẹ, nhức đầu, đau, mỏi cơ, ho khan, đau họng và nghẹt mũi.

Giai đoạn toàn phát từ ngày thứ 4, sốt cao và đau nhức cơ nhiều hơn, khàn tiếng, cảm giác khô hoặc đau họng, ho, tức ngực, cơ thể mệt mỏi hoặc kiệt sức. Một số người có thể bội nhiễm vi khuẩn và bệnh trở nặng với những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết.

Cơ thể người mắc bệnh cúm không biến chứng, thường hồi phục sau một tuần nhưng các cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1-2 tuần tiếp theo.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tư vấn tiêm chủng cho người cao tuổi. Ảnh: BVCC

Về nguyên nhân mắc cúm mùa có thể dẫn đến tử vong, bác sĩ Hiền Minh đã chỉ ra năm lý do. Thứ nhất, người mắc cúm không tử vong vì nhiễm virus cúm mà do những biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, viêm não, suy đa tạng và nhiễm trùng huyết.

Thứ hai, bệnh cúm làm nặng thêm bệnh nền sẵn có của người bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, suy thận, suy gan... dẫn đến mất khả năng kiểm soát bệnh và xuất hiện đợt cấp của bệnh (là tình trạng chuyển biến bệnh xấu đi một cách đột ngột ở bệnh nhân).

Thứ ba là bệnh cúm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở những người “nhạy cảm” với hệ miễn dịch yếu kém như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, bệnh nhân có bệnh tự miễn, bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, phụ nữ mang thai…

“Thứ tư, bệnh cúm không được phát hiện kịp thời để có xử trí đúng và nâng đỡ tổng trạng phù hợp. Cuối cùng là biến chủng mới của virus cúm nhưng cơ thể không được bảo vệ từ vaccine cúm, đây cũng là một trong những lý do thường liên quan đến những đại dịch cúm trên thế giới”, bác sĩ Minh thông tin thêm.

Tiêm vaccine cúm, hiệu quả ra sao?

Để phòng ngừa cúm mùa, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Đây là biện pháp phòng ngừa chủ động hiệu quả nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nặng.

Bác sĩ Hiền Minh cho biết thêm, virus cúm biến đổi nên hằng năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu có thể gây ra dịch cúm năm kế tiếp, đó là cơ sở để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm hàng năm. Hơn thế nữa, miễn dịch bảo vệ của vaccine cúm chỉ kéo dài khoảng một năm. Vì vậy, để được bảo vệ tốt nhất, người dân cần tiêm cúm nhắc lại mỗi năm.

Tuỳ theo cơ địa của mỗi người và sự phù hợp của chủng cúm lưu hành so với vaccine được tiêm, mà người đã tiêm vaccine có thể vẫn bị nhiễm cúm. Tuy nhiên, tỷ lệ bị cúm và bị các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp sẽ giảm đi rất nhiều so với người không tiêm vaccine.

Theo bác sĩ Minh, thông thường khoảng hai tuần sau khi tiêm, vaccine phòng cúm sẽ giúp cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ bởi những chủng virus có trong vaccine. Trước thời điểm này, người dân vẫn có nguy cơ nhiễm cúm.

So sánh giữa người đã có tiêm vaccine cúm trước đó và người chưa tiêm:

  • Giảm 60% trường hợp tử vong tại bệnh viện và 40% điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU) trên bệnh nhân hơn 65 tuổi.
  • Giảm 20% nguy cơ tử vong do tim mạch trên bệnh nhân suy tim.
  • Giảm 80% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân tiểu đường loại 2.
  • Giảm 40% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Giảm 27% tỷ lệ trẻ sinh non ở phụ nữ mang thai mắc cúm.
Tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm làm giảm nguy cơ diễn biến nặng khi mắc bệnh. Ảnh: BVCC

Bên cạnh tiêm vaccine phòng cúm, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên bổ sung dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với virus cúm. Mọi người cũng cần giữ vệ sinh cá nhân tốt như che mũi, miệng khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để tránh lây nhiễm.

Người dân nên duy trì môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, bàn phím máy tính, điện thoại di động…; đồng thời hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tránh đến những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm, đặc biệt trong mùa dịch cúm.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý một số triệu chứng cảnh báo biến chứng nguy hiểm của bệnh như đau ngực, huyết áp tụt; khó thở hoặc thở nhanh; tím tái, môi hoặc đầu ngón tay đổi màu; lơ mơ, mất tỉnh táo hoặc hạ thân nhiệt bất thường (dưới 36 độ C); đau ngực, huyết áp tụt; không ăn uống được, nôn nhiều… Đây là những biểu hiện của viêm phổi nặng, suy hô hấp hoặc suy đa tạng, có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cúm trái mùa bùng phát, nguy cơ từ chủ quan và...

0
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi...

Kết nối