Thứ ba, Tháng Một 14, 2025

Độc đáo nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá

(SGTT) - Làng nghề làm chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô chừng 30km, nằm gần chùa Tây Phương. Với bàn tay khéo léo, người làng Thạch Xá đã tạo ra những con chuồn chuồn tre độc đáo, trở thành món quà quê được nhiều người yêu thích.
Làng nghề làm chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô chừng 30km. Ảnh: Bảo Ân

Ban đầu, chuồn chuồn tre được biết đến như món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ, hoặc làm quà tặng ý nghĩa trong các lễ hội truyền thống.

Thế nhưng, hơn 20 năm qua, những người con Thạch Xá vẫn miệt mài bên những thanh tre, khéo léo tạo nên món quà quê mộc mạc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Với bàn tay khéo léo, người làng Thạch Xá đã tạo ra những con chuồn chuồn tre độc đáo, trở thành một món quà quê được nhiều người yêu thích. Ảnh: Bảo Ân

Chuồn chuồn tre tuy có vẻ ngoài đơn giản, nhưng quá trình chế tác lại công phu, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết. Điểm độc đáo làm nên sức hấp dẫn của chuồn chuồn tre chính là khả năng "đậu vững" trên mọi bề mặt, được tạo nên nhờ áp dụng nguyên lý cân bằng trọng lực.

Điểm độc đáo làm nên sức hấp dẫn của chuồn chuồn tre chính là khả năng "đậu vững" trên mọi bề mặt. Ảnh: Bảo Ân

Quy trình làm chuồn chuồn tre gồm nhiều công đoạn như cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ. Trong đó, khó nhất là khâu chắp cánh vào thân.

Đầu tiên, khâu chọn tre phải được thực hiện kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Loại tre được sử dụng là tre bánh tẻ, không quá già cũng không quá non, đáp ứng đủ độ mềm, dẻo và bền. Mặc dù địa phương vốn có nguồn tre dồi dào, nhưng những năm gần đây, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm.

Quy trình làm chuồn chuồn tre gồm nhiều công đoạn như cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ... Ảnh: Bảo Ân

Vì vậy, người dân phải nhập tre từ các tỉnh như Hòa Bình, Hà Giang để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, tre được chọn phải là tre khô tự nhiên, vì tre ngâm dễ bị mối mọt, không đảm bảo độ bền lâu dài.

Theo chia sẻ của những người thợ trong làng, nguyên lý cân bằng của chuồn chuồn tre dựa trên ba điểm, là mỏ, cánh và đuôi, với trọng lượng tập trung vào tâm nối giữa ba điểm này. Tâm phải được tính toán chính xác để nằm đúng trên mỏ, giúp chuồn chuồn đứng thăng bằng trên mọi bề mặt.

Nguyên lý cân bằng của chuồn chuồn tre dựa trên ba điểm, là mỏ, cánh và đuôi, với trọng lượng tập trung vào tâm nối giữa ba điểm này. Ảnh: Bảo Ân

Sau khi hoàn thiện phần thô, người thợ bắt tay vào việc trang trí, vẽ nên những hoa văn, họa tiết mang đậm dấu ấn riêng. Quá trình sơn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ năng cao, bởi chỉ một chút bất cẩn cũng có thể khiến màu sắc trở nên loang lổ, mất đi sự tinh tế.

Mỗi con chuồn chuồn đều mang họa tiết riêng. Ảnh: Bảo Ân

Ngày nay, chuồn chuồn tre Thạch Xá hiện diện tại hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng ở các thành phố trên cả nước như Hà Nội, TPHCM, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc...

Theo TTXVN

Đăng Huy - Bảo Ân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề