(SGTT) - Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 368 trường hợp mắc sởi.
Theo TTXVN, trong số 368 trường hợp mắc sởi, gần 2/3 số ca đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng. Đặc biệt, có 42 bệnh nhi (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vắc xin sởi.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khi bệnh sởi bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6-2024, bệnh viện đã kích hoạt kế hoạch chống dịch đã ban hành từ đầu năm. Trong đó, việc chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị… thường xuyên được kiểm tra về số lượng, chủng loại và được bổ sung kịp thời khi thấy nguồn dự trữ giảm.
Cụ thể như vitamin A liều cao, globuline miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) và một số thuốc khác là những thuốc cần được trang bị để điều trị bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là bệnh sởi có biến chứng nặng đã được dự trù từ đầu năm.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, riêng thuốc dopamin là một loại thuốc vận mạch được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị sốc, truỵ mạch do bệnh sốt xuất huyết hoặc một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Thuốc này cũng được dự trữ từ đầu năm, tuy nhiên đến 15-8-2024 đã hết hạn dùng.
Bệnh viện đã liên hệ với nhà cung cấp và sẽ được cung ứng trong tháng 9-2024. Trong thời gian chờ dopamin, bệnh viện đã chủ động sử dụng thuốc khác có tác dụng tương tự để thay thế. Vì vậy, việc chậm cung ứng dopamin trong thời gian này không ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh sởi hoặc những bệnh lý khác cần sử dụng dopamin như sốt xuất huyết nặng.