Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Sông Cái, từ nguồn ra biển: Nơi dòng sông hòa mình vào biển cả (kỳ cuối)

(SGGT) - Hành trình khám phá "Sông Cái, từ nguồn ra biển" với chặng cuối là cửa biển Tiên Châu. Trên hành trình xuôi về với biển, sau khi bồi đắp phù sa và tưới mát cho những cánh đồng ở hạ lưu, sông Cái vượt qua cửa Tiên Châu, thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, rồi hòa mình vào biển cả.

Nhà thờ Mằng Lăng

Càng đi về phía hạ lưu, dòng sông Cái càng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Cách không xa cửa Tiên Châu, nơi sông Cái sắp hòa mình vào biển cả, là một nhà thờ cổ kính có tên là Mằng Lăng. Đây là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất Việt Nam.

Nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: Kông Thành

Tính đến nay, ngôi thánh đường nằm về phía hữu ngạn sông Cái, đoạn qua xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã tồn tại hơn 132 năm (1892-2024). Không chỉ ấn tượng về mặt kiến trúc, nhà thờ Mằng Lăng còn chứa đựng nhiều giá trị độc đáo của vùng đất nằm bên dòng sông Cái, tỉnh Phú Yên. Ngôi thánh đường này do một linh mục người Pháp tên là Joseph de La Cassagne được người dân xứ đạo nơi đây gọi tên theo tiếng Việt là Cố Xuân.

Qua hơn một thế kỷ tồn tại với bao thăng trầm, nhà thờ Mằng Lăng vẫn giữ được vẻ đẹp rất riêng của kiến trúc Gô-tích, vốn hưng thịnh ở châu Âu trong suốt thế kỷ 19 và vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mãi tận ngày nay. Không chỉ mang đặc trưng của kiến trúc Gô-tích với những vòm nhọn, những ô cửa tuyệt đẹp, nhà thờ Mằng Lăng còn là một minh chứng cho sự giao thoa văn hóa phương Tây và phương Đông, qua những hoa văn trang trí bên trong giáo đường và trên tường vôi đã in dấu thời gian.

Trong khuôn viên nhà thờ Mằng Lăng còn có cô nhi viện Mằng Lăng. Đây là ngôi nhà chung của những đứa trẻ có hoàn cảnh kém may mắn, không được lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Có những giai đoạn, cô nhi viện Mằng Lăng nuôi dưỡng hàng trăm trẻ mồ côi. Ở cô nhi viện này, những đứa trẻ được các nữ tu thương yêu và tận tình chăm sóc, lớn lên các em được đến trường, có em học lên cao đẳng, đại học…

Không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của những giáo dân tại địa phương, nhà thờ Mằng Lăng còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử về con người và vùng đất ở hạ nguồn sông Cái. Tồn tại hơn trăm năm qua, trải qua bao biến cố của lịch sử, nhà thờ Mằng Lăng vẫn luôn là một địa chỉ thú vị đối với những ai thích khám phá về vùng đất Phú Yên xưa và nay.

Nơi sông Cái đổ ra biển

Cửa biển Tiên Châu. Ảnh: Kông Thành

Hành trình khám phá sông Cái từ nguồn ra biển với chặng cuối là cửa biển Tiên Châu. Trên hành trình xuôi về với biển, sau khi bồi đắp phù sa và tưới mát cho những cánh đồng ở hạ lưu, sông Cái vượt qua cửa Tiên Châu, thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, rồi hòa mình vào biển cả.

Truyền thuyết kể rằng, vào một đêm trăng sáng, ngoài bãi sông lấp loáng ánh vàng có nhiều tiên nữ giáng trần vui chơi múa hát. Một ngư dân đi đánh cá ban đêm trên sông khi nhìn thấy tiên nữ vui đùa đã rón rén lại gần, bị phát hiện nên các tiên nữ biến mất. Từ đó, bãi cát đoạn cuối của dòng sông Cái có tên gọi là Tiên Châu. Thực hư chưa rõ, song từ xa xưa nơi đây đã có thơ ngợi ca vẻ đẹp của vùng cửa biển này rằng “Tiên Châu có bãi cát vàng/Có cầu Vạn Củi có hàng dừa xanh”

Bờ sông này, bãi cát kia đã tạo nên nét thơ cho vùng đất có cái tên rất đẹp. Nhưng trên hết, Tiên Châu có những trang sử đáng tự hào từ hơn 100 năm trước. Tiên Châu là làng lớn nhất, sầm uất nhất trong số các ngôi làng ven biển tỉnh Phú Yên, và là cửa ngõ giao thương quan trọng nhất của miền biên viễn vào thế kỷ 19.

Trong hoạt động thương mại nội địa, cảng Tiên Châu đóng vai trò là đầu mối xuất phát và điểm dừng chân của các thương lái trên tuyến vận chuyển hàng hóa dọc sông Cái trước khi đến các vùng núi miền tây Phú Yên. Hai bờ sông Cái có nhiều chợ hình thành từ thế kỷ 17-18, một số chợ tồn tại cho đến nay như chợ Tiên Châu, chợ Ngân Sơn, chợ Đèo, chợ Lùng, chợ Gò Chai, chợ Đồng Dài, chợ Hà Bằng…

Không còn là cửa ngõ giao thương quan trọng như ngày trước, song Tiên Châu vẫn là một làng biển sầm uất, nhộn nhịp. Từ lâu, cư dân ở vùng cửa biển này đã chọn đánh bắt thủy, hải sản làm nghề mưu sinh chính cho gia đình. Nhiều tàu thuyền hành nghề câu cá ngừ đại dương thường xuyên cập cảng Tiên Châu để tiêu thụ sản phẩm và chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển.

Cuộc sống của người dân ở Tiên Châu gắn liền với biển. Người ít vốn, chưa có điều kiện thì đóng thuyền nhỏ khai thác tôm cá gần bờ. Những hộ khá hơn đóng tàu thuyền công suất lớn, mua sắm ngư cụ vươn khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển.

Ngày nay, ở làng biển Tiên Châu có không ít ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương, cách bờ hàng trăm hải lý với mỗi chuyến biển lên đến hàng tháng trời. Nhưng phổ biến nhất ở đây vẫn là nghề đánh bắt thủy sản ven bờ. Sản phẩm thu được chủ yếu là cua ghẹ và những loài cá nhỏ sống gần bờ.

Nơi con sông Cái hòa vào biển. Ảnh: Kông Thành

Ngày nay, đôi bờ sông Cái từ thượng nguồn cho tới hạ lưu cảnh vật đã có nhiều đổi khác, những biến đổi của tự nhiên cũng phần nào làm cho dòng sông không còn hình dáng cũ. Song, bề dày trầm tích của con sông, những giá trị văn hóa, lịch sử, thủy văn mà sông Cái mang trong lòng nó từ bao đời nay thì vẫn thế.

Hành trình “Sông Cái: Từ nguồn ra biển” chưa thể khái quát hết những giá trị về di sản văn hóa, lịch sử của đôi bờ, nhưng với những gì mà con sông Cái hiến dâng cho đời cũng đủ thấy sông Cái như một nhân chứng gắn với bao thăng trầm vùng đất phía bắc tỉnh Phú Yên suốt một chiều dài lịch sử.

Hiểu về một dòng sông là ta đã có thêm những hiểu biết về một vùng đất, đặc biệt là vùng đất biên viễn giữa Đại Việt và Chămpa trên hành trình mở đất của ông cha hơn 400 năm trước...

Xem lại ký sự "Sông Cái, từ nguồn ra biển":

Trần Thanh Hưng - Lê Kông Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập ‘cú hích’...

0
(SGTT) - Tháng 11-2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã phối hợp với tỉnh Phú Yên công bố...

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và...

0
(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa...

Gợi ý 6 dòng thác nên ghé thăm khi đến Phú...

1
(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Mùa thu hoạch cói tại làng nghề dệt chiếu hơn 100...

0
(SGTT) - Cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km, làng nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An,...

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm...

0
(SGTT) - Nhà Quảng Đức Xưa nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò...

Kết nối