Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Buýt vi vu: Khám phá bảo tàng Áo dài, nhà thờ Tân Lập cùng buýt 88

Du lịchHành trình - Điểm đếnBuýt vi vu: Khám phá bảo tàng Áo dài, nhà thờ Tân...
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 88, du khách sẽ có dịp đi qua nhiều địa điểm thú vị tại thành phố Thủ Đức như bảo tàng Áo dài, nhà thờ Tân Lập, chùa Huê Nghiêm, đình Bình Khánh…

Xe buýt số 88 đi từ bến xe buýt Sài Gòn (quận 1) đến chợ Long Phước (thành phố Thủ Đức), với tổng độ dài tuyến khoảng 23km, hoạt động từ 4:45 - 19:00. Thời gian giãn chuyến khoảng 6-10 phút, giá vé là 6.000 đồng/lượt còn vé học sinh, sinh viên là 3.000 đồng/lượt.

Xe đi qua những điểm đến nổi bật như bảo tàng Áo dài, nhà thờ Tân Lập, chùa Huê Nghiêm, đình Bình Khánh, cột cờ Thủ Ngữ, cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm.

BẢO TÀNG ÁO DÀI

Bảo tàng Áo dài là một bảo tàng tư nhân tọa lạc trên khu đất rộng gần 20.000m² tại phường Long Phước, thành phố Thủ Đức. Bảo tàng được khởi xướng và xây dựng từ ý tưởng của họa sĩ – nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2014, bảo tàng Áo dài là nơi lưu giữ và vinh danh những câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đất nước.

Bảo tàng không chỉ trưng bày những hiện vật, tư liệu quý về áo dài mà còn phát huy các giá trị cốt lõi của trang phục dân tộc vào đời sống thực tế, đưa áo dài đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, bảo tàng còn giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh gồm quan họ, hát xoan, ca trù, ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, đờn ca tài tử...

NHÀ THỜ TÂN LẬP

Nhà thờ Tân Lập (hay giáo xứ Tân Lập) nằm tại phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức. Nhà thờ được thành lập vào năm 1955, là nơi để người dân địa phương đến cầu nguyện.

Kiến trúc nhà thờ pha trộn giữa nét truyền thông Á Đông và nét hiện đại phương Tây, với màu nâu đất bên ngoài, đồng hồ to và tượng Đức Mẹ ở giữa. Phần mái được lát ngói đỏ với một cây thánh giá ở mỗi chóp.

ĐÌNH BÌNH KHÁNH

Đình Bình Khánh nằm trên đường Lương Định Của, phường Bình An, thành phố Thủ Đức, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 19.

Đình có sân rộng rãi, mái ngói màu cam đất, bên trong thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngoài ra, nhiều góc trong khuôn viên đình có những bức tượng hổ, rồng, hạc... được chạm khắc tinh khảo.

CHÙA HUÊ NGHIÊM

Chùa Huê Nghiêm tọa lạc trên đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, thành phố Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1975, do Hòa thượng Thích Trí Quảng xây dựng.

Khuôn viên chùa có nhiều bia đá có kích thước lớn, khắc những điều răn dạy của Đức Phật. Không gian rộng rãi với nhiều mảng xanh, vườn hoa... mang vẻ đẹp thanh nhã. Ở mỗi khoảng sân, góc vườn... đều được Hòa thượng trụ trì đặt tên của từng vị Bồ tát, Thánh Tăng có danh hiệu trong kinh Pháp Hoa.

CỘT CỜ THỦ NGỮ

Cột cờ Thủ Ngữ là một công trình nằm tại đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Theo Sở Du lịch TPHCM, cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ 19, đến nay đã hơn 150 năm.

Cùng với bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng và cầu Mống, cột cờ Thủ Ngữ là yếu tố quan trọng tạo nên quần thể lịch sử - văn hóa đặc trưng, là minh chứng cho quá trình phát triển đô thị TPHCM. Năm 2016, cột cờ Thủ Ngữ được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.

CẦU BA SON

Cầu Ba Son là cây cầu dây văng bắc qua sông Sài Gòn, nối trung tâm quận 1 với khu đô thị Sala, thành phố Thủ Đức, được thông xe vào tháng 4-2022.

Từ cầu Ba Son, du khách có thể ngắm các công trình nổi tiếng của thành phố như tòa nhà Landmark 81, tòa nhà Bitexco, bến Bạch Đằng. Cùng với cột cờ Thủ Ngữ, cầu Ba Son là 1 trong 10 điểm check-in thú vị nhất TPHCM do Sở Du lịch công bố vào cuối năm 2023.

CẦU THỦ THIÊM

Cầu Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm thành phố, được thông xe vào năm 2005. Đây cũng là điểm được nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm TPHCM. Tuy nhiên, du khách không nên dừng xe trên cầu để chụp hình vì ảnh hưởng giao thông.

“Buýt vi vu” là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị sẽ gợi ý cho quý bạn đọc về những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.

Nghi Bảo Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục