(SGTT) - Khi nhắc đến các bệnh lý về mắt do lão hóa, lão thị và đục thủy tinh thể thường xuất hiện nhiều nhất ở người bệnh trung niên và cao tuổi. Mặc dù đây là hai tình trạng bệnh riêng biệt, chúng có thể xuất hiện cùng lúc mà người bệnh cần cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa, đối phó từ sớm.
- 10 thực phẩm trong tủ lạnh nên tránh để bảo vệ sức khoẻ
- Nhiều hoạt động tại Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe Huế 2024
Lão thị là hiện tượng giảm khả năng nhìn gần, xảy ra khi thủy tinh thể của mắt mất dần tính đàn hồi, không còn điều tiết linh hoạt. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tập trung vào các vật thể gần như khi đọc sách hoặc sử dụng điện thoại. Lão thị là một phần tất yếu của quá trình lão hóa và xảy ra tự nhiên với hầu hết mọi người sau độ tuổi trung niên.
Ngược lại, đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể trở nên mờ đục, ảnh hưởng đến cả tầm nhìn gần và xa. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở người lớn tuổi. Khi thủy tinh thể bị đục, ánh sáng khó truyền qua, làm cho hình ảnh trở nên mờ nhòe và gây chói mắt, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
Bài tập và các thói quen đơn giản giúp ngăn ngừa lão thị sớm
Bài tập chớp mắt 20-20-20
Để giảm mỏi mắt do màn hình, hãy làm theo quy tắc 20-20-20: cứ sau 20 phút, hãy nhìn vào vật cách xa 20 feet (1 feet = 0.3048m) trong ít nhất 20 giây. Thực hiện bài tập này giúp ổn định lượng nước mắt, ngăn ngừa hiệu quả hội chứng khô mắt và các vấn đề về giác mạc do thiếu độ ẩm.
Bài tập phối cảnh
Hướng mắt nhìn vào một vật ở khoảng cách 30cm trong 10 giây, sau đó chuyển tầm nhìn sang vật ở khoảng cách 5m trong 10 giây. Lặp lại trong 1 phút. Bài tập này giúp thư giãn các cơ mi vốn dễ bị căng thẳng do tập trung vào cự ly gần, đồng thời cải thiện khả năng điều tiết của mắt.
Bài tập sáng và tối
Mở mắt trong ánh sáng, sau đó dùng tay che kín để tạo bóng tối hoàn toàn trong 10 giây, rồi thả tay và nhìn bình thường trong 10 giây. Lặp lại trong 1 phút. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho cơ mống mắt, giúp mắt thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của ánh sáng.
Bổ sung các thực phẩm chứa thành phần dinh dưỡng tốt cho mắt
Nghiên cứu cho thấy các loại vitamin và khoáng chất chống oxy hóa, như A, B, C, E, beta-carotene, lutein, zeaxanthin, selen và kẽm, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh mắt do lão hóa, bao gồm thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như dâu tây, cà chua, bông cải xanh (vitamin C), đậu và các loại hạt (vitamin E), cà rốt và bí ngô (beta-carotene), hàu và thịt bò (kẽm), rau bina và cải xoăn (lutein và zeaxanthin) là lựa chọn lý tưởng để bảo vệ sức khỏe mắt. Axit béo omega-3 từ cá cũng được biết đến với lợi ích trong việc ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, hội chứng khô mắt và bệnh võng mạc tiểu đường.
Thay đổi thói quen và chủ động phòng ngừa các bệnh về mắt
Thói quen dụi mắt có thể gây kích ứng, khiến các mạch máu dưới da bị tổn thương và dẫn đến quầng thâm. Hành động này kéo dài còn có thể gây ra giác mạc hình chóp, hội chứng khô mắt và bong võng mạc. Ngoài ra, việc tránh trang điểm mắt quá dày mà không tẩy trang kỹ có thể gây khô mắt, viêm bờ mi và nguy cơ nhiễm trùng mắt.
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực nội nhãn và ngăn ngừa các bệnh chuyển hóa. Tuy nhiên, nên tránh các bài tập có thể làm tăng áp lực lên mắt. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng từ 2 đến 4 lần, vì vậy việc từ bỏ thuốc lá là một bước quan trọng để bảo vệ mắt.
Khám mắt định kỳ
Trẻ em và thanh thiếu niên cần được kiểm tra thị lực thường xuyên, đặc biệt nếu có triệu chứng như giảm thị lực, nhược thị hoặc mắt lác. Người lớn trên 40 tuổi nên khám mắt mỗi năm một lần để theo dõi sức khỏe mắt, nhất là những người có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao – các yếu tố có liên quan đến bệnh mạch máu võng mạc. Với người từ 60 tuổi trở lên, việc kiểm tra mắt mỗi năm là cần thiết để phòng ngừa các bệnh như thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp và bệnh võng mạc tiểu đường.
Theo Naver, K-health, Health Chosun