Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Dấu xưa – Hồn phố: Trăm năm nghề làm ngói âm dương ở Lũng Rì

(SGTT) - Xóm Lũng Rì cách thành phố Cao Bằng khoảng trên 30km, nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương đã có hàng trăm năm tuổi. 

Từ xa xưa, tại Cao Bằng người Nùng ở xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, rất giỏi nghề làm ngói âm dương (ngói máng). Trải qua những thăng trầm của thời gian, hiện chỉ còn vài hộ gia đình ở Lũng Rì còn giữ nghề làm ngói âm dương.

Làng nghề truyền thống làm ngói âm dương Lũng Rì. Ảnh: Đàm Anh

Ngói âm dương là từ chỉ chung cho loại ngói lợp nhà theo cặp, viên ngửa (âm) và viên sấp (dương). Thông thường, hai viên âm và dương có hình thù khác nhau, có lớp tráng men hoặc không tráng men...

Còn ở Lũng Rì, viên âm và dương là một, có hình cong cong như cái máng nên gọi là “ngói máng”. Theo đó “âm” hay “dương” chỉ có nghĩa khi người ta lợp viên ngói đó sấp hay ngửa.

Việc sản xuất ngói âm dương của người dân tại xóm Lũng Rì trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Đàm Anh

Việc sản xuất ngói âm dương của người dân tại xóm Lũng Rì trải qua nhiều công đoạn. Sau khi lọc sạch, đất được chất thành khối và phủ ni lông kín để bảo đảm giữ độ ẩm. Tiếp đến là công đoạn tạo hình đất thành khối hình chữ nhật. 

Ngói đem phơi trên nền đất có rải vỏ trấu để tạo mặt phẳng. Ảnh: Đàm Anh

Tiếp theo, viên ngói được đưa lên khuôn gỗ, được miết cho đều rồi đem phơi trên nền đất đã được phủ lớp trấu nhằm giúp ngói còn chưa khô khỏi dính xuống bề mặt đất và đảm bảo độ khô ráo.

Ngói được nung trong lò thủ công. Ảnh: Đàm Anh

Khâu cuối là xếp ngói vào lò nung liên tục khoảng vài ngày, người dân thay nhau túc trực và giữ nhiệt độ vừa đủ nhằm đảm bảo chất lượng ngói tốt. Sau đó, ngói được để nguội trong lò khoảng hai đến ba tuần và được lấy ra, giao đến khách hàng.

Viên ngói có hình cong cong như cái máng nên gọi là “ngói máng”. Ảnh: Đàm Anh

Để đến Lũng Rì, từ thành phố Cao Bằng, du khách đi theo quốc lộ 3, vượt qua đèo Mã Phục – một trong những con đường đèo đẹp ở Cao Bằng. Sau đó, du khách tiến vào thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa và đi tiếp quốc lộ 3 chừng 2km, rồi rẽ phải vào địa phận xã Tự Do hơn 1km nữa thì đến.

Nhiều ngôi nhà ở Tự Do và địa phương khác lợp ngói máng truyền thống. Ảnh: Đàm Anh

Theo báo Cao Bằng, thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề làm ngói máng ở xã Tự Do là từ năm 1979 đến khoảng đầu những năm 2000. Thời điểm đó, cả xã Tự Do có khoảng 150 hộ làm ngói, tập trung ở 3 xóm Kéo Rỏn, Lũng Rì, Lũng Các. 

Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề làm ngói máng ở xã Tự Do là từ năm 1979 đến khoảng đầu những năm 2000. Ảnh: Đàm Anh

Mỗi hộ làm trung bình từ 20.000 đến 40.000 viên ngói/năm. So với một số địa phương khác, sản phẩm ngói máng Lũng Rì có màu sắc đẹp và chất lượng tốt, dùng lợp mái nhà thoáng mát nên một thời sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Người dân Lũng Rì ngày đêm "giữ lửa" cho nghề ngói âm dương. Ảnh: Đàm Anh

Đến nay, giá trị kinh tế của ngói âm dương không cao, do phải cạnh tranh với các loại ngói được sản xuất công nghiệp. Dù vậy, để giữ cho nghề truyền thống không bị mai một, du khách đến Lũng Rì vẫn có thể bắt gặp hình ảnh người dân cần cù đêm ngày tạo tác những viên ngói âm dương sấp ngửa.

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định công nhận các làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì. Ảnh: Đàm Anh

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định công nhận các làng nghề Ngói đất nung xóm Lũng Rì (xã Tự Do, huyện Quảng Hòa), làng nghề miến dong Phia Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) và làng nghề Nón lá xóm Hoàng Diệu (xã Tự Do, huyện Quảng Hòa) là làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng còn 5 làng nghề khác gồm làng nghề rèn xã Phúc Sen, làng nghề hương Phia Thắp, làng nghề giấy bản Quốc Dân, làng nghề làm đường phên Bó Tờ (huyện Quảng Hòa) và làng nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng). 

“Dấu xưa – Hồn phố” là chuỗi nội dung tập trung giới thiệu đến du khách những điểm du lịch văn hoá, tâm linh trên khắp cả nước. Trong đó, bao gồm những công trình kiến trúc cổ, khu phố cổ, làng cổ, di tích lịch sử và những làng nghề truyền thống. Nội dung “Dấu xưa – Hồn phố” sẽ đăng tải trên Sài Gòn Tiếp Thị vào Chủ nhật hằng tuần.

Theo TTXVN, báo Cao Bằng

Đàm Anh - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dấu xưa – Hồn phố: Về An Giang khám phá kiến...

0
(SGTT) - Chùa Chi Cà Ên còn gọi là chùa Toul Sophy, nằm tại ấp Tà On, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh...

Thăm những làng nghề truyền thống trong đề cử ‘Top 7...

0
(SGTT) – Thông qua đề cử “Top 7 Ấn tượng Việt Nam”, các làng nghề truyền thống trên cả nước mang đến cho du...

Rổ rế bên đường

0
(SGTT) - Ở vùng sông nước, cứ đầu con kênh hoặc đầu con rạch là có tiệm tạp hóa hay quán nước. Có khi...

Dấu xưa – Hồn phố: Về Ninh Bình ghé thăm làng...

0
(SGTT) - Nằm ở huyện Nho Quan, làng gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống tại Ninh Bình, có lịch...

Dấu xưa – Hồn phố: Tìm về Hưng Miếu, nơi thờ...

0
(SGTT) - Hưng Miếu, hay còn gọi là Hưng Tổ Miếu, là một trong những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng...

Ghé thăm Dịch Diệp Trang, ngôi làng cổ ngàn năm ở...

0
(SGTT) - Làng cổ Dịch Diệp Trang tọa lạc tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Với lịch sử hơn 1.000 năm, nơi đây...

Kết nối