(SGTT) - Xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ đang nở rộ khắp nơi, người dân sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua nhưng không phải ai cũng biết cách nhận biết sản phẩm chất lượng.
Cách nhận biết
Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, cho biết Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước nào chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Đa số chứng nhận sản phẩm hữu cơ là của các tổ chức nước ngoài có thẩm quyền như USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), công ty Control Union… Cục đang soạn thảo quy định các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo các chuyên gia, để phân biệt các loai thực phẩm GMO (thực phẩm biến đổi gen), organic hay non-GMO (thực phẩm không biến đổi gen) trong tình hình thực phẩm hiện tại ở Việt Nam không hề dễ dàng. Do đó, khi mua hàng người tiêu dùng nên chú ý cách viết ký hiệu theo quy định của Việt Nam về nhãn kiểm định.
Hiện nay Việt Nam đã áp dụng quy định dán nhãn thực phẩm để giúp người dùng phân biệt dễ dàng hơn. Do đó, người mua nên chú ý các từ viết tắt “GMO-free”, “Non-GMO” hoặc “Sản phẩm không có thành phần biến đổi gen”; các sản phẩm này có thể chứa GMO nhưng không quá 0,9%. Cụm từ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt sẽ được ghi bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm, theo quy định.
Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, khi mua sản phẩm trong các siêu thị, người mua nên đọc kỹ nhãn mác trên sản phẩm sẽ thấy một miếng tem dán bao gồm 4-5 chữ số (mã code). Từ những con số này người mua có thể xác định được đó là loại thực phẩm nào.
Cụ thể, trên tem nhãn, nếu dãy số gồm 5 chữ số bắt đầu bằng số 8 - đó là sản phẩm biến đổi gen (GMO), nếu dãy số gồm 5 chữ số bắt đầu bằng số 9 - đó là các sản phẩm hữu cơ và dãy số gồm 5 chữ số được bắt đầu bằng số 4 dành cho các sản phẩm có sử dụng chất hóa học (Non-GMO).
Thế nào là thực phẩm hữu cơ?
Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ vốn rất khác nhau tại các quốc gia trên thế giới. Vì vậy tiêu chuẩn chung cho hai từ hữu cơ vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, thực phẩm đạt các tiêu chuẩn như VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) là loại thực phẩm có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ hóa học... nhưng có kiểm soát, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh đảm bảo ở mức cho phép. Còn thực phẩm hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng.
TS.BS. Nguyễn Hữu Toản, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, cho biết thực phẩm hữu cơ có những tiêu chuẩn bắt buộc như đất canh tác sạch, có nghĩa là trước khi đưa vào canh tác ba năm, đất không bị dư lượng hóa chất, độc chất, không sử dụng các loại phân bón hóa học mà sử dụng phân hữu cơ; quá trình tưới và chăm sóc không sử dụng formol, hóa chất; khi thu hoạch, chế biến cũng không được cho thêm phụ gia.
Theo TS. Toản, hiện nay thị trường nhan nhản những thực phẩm được gắn mác hữu cơ, định nghĩa và tên gọi này đang bị lạm dụng. Do đó, cơ quan chức năng cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng cho thực phẩm hữu cơ.
BS. Toản cũng cho hay, ông đã đi tham quan những trang trại bò sữa rất sạch, cỏ không có hóa chất, bò được tắm rửa sạch sẽ. Tuy nhiên những khâu khác có đạt chuẩn hữu cơ hay không thì còn nhiều vấn đề phải bàn do không được đơn vị nào kiểm chứng cụ thể. Do đó, các sản phẩm hữu cơ cần được các tổ chức quốc tế và Việt Nam chứng nhận.
TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho rằng bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thực phẩm hữu cơ, đâu là thực phẩm không đạt chuẩn. Thực phẩm hữu cơ phải được chứng nhận tùy theo quy định của từng quốc gia, chẳng hạn như NOP (USDA của Mỹ, EU-Eco-regulation của Liên minh châu Âu, hoặc JAS Standard của Nhật Bản).
Ba mức độ công bố sản phẩm hữu cơ
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng và nông nghiệp, có ba mức độ công bố một sản phẩm là hữu cơ trên nhãn:
- 100% hữu cơ: nghĩa là thực phẩm hoàn toàn là hữu cơ hoặc được làm từ các nguyên liệu hữu cơ.
- Hữu cơ: nghĩa là thực phẩm có trên 95% nguyên liệu là hữu cơ.
- Made with Organic Ingredients (hoặc “Made with x% Organic Ingredients, với x nằm trong khoảng 70-95%): sản phẩm có ít nhất 70% thành phần nguyên liệu là hữu cơ.
Trường hợp có dưới 70% thành phần là hữu cơ thì không được công bố hữu cơ trên mặt trước của nhãn mà chỉ được ghi trên danh mục thành phần nguyên liệu ở mặt bên của sản phẩm để cho biết thành phần nguyên liệu nào là hữu cơ.
Nhà sản xuất không được quảng cáo sản phẩm là thực phẩm hữu cơ nếu họ dùng hóa chất trong ba năm trước khi thu hoạch.
Bình An