(SGTT) - Ngày 29-7-2023, trường Đại học Nam Cần Thơ và bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý ung thư trong thời đại mới: cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới”.
- Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy hợp tác thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch
- Trường Đại học Nam Cần Thơ khởi công Viện Nghiên cứu – Đào tạo khoa học sức khỏe DNC
Hội thảo đã thu hút hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ, dược sĩ… đầu ngành chuyên khoa tim mạch trong nước và nước ngoài và đại diện ngành y tế, doanh nghiệp, học viên, sinh viên tham dự.
Theo PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, hội thảo này được tổ chức trong bối cảnh đã có hơn 100 loại ung thư khác nhau và ung thư là bệnh có tỉ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Ông dẫn số liệu của một hội nghị ung thư quốc tế tại Hà Nội năm 2022, tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cao thứ hai thế giới. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 200.000 ca mắc, có đến 82.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam là 73,5% trong khi của thế giới là 59,7%, do đa số được phát hiện muộn và kết quả điều trị chưa cao.
Bốn phiên của hội thảo đã báo cáo về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung bướu tại Việt Nam; những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung bướu trên thế giới; những tiến bộ và khó khăn trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung bướu tại miền Tây và cuộc thi các nhà nghiên cứu khoa học trẻ.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ điều trị ung thư chia sẻ tiếp 25 tham luận xoay quanh các chuyên đề về những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ung bướu, như tổng quan về phẫu thuật cắt thực quản trong điều trị ung thư thực quản; những tiến bộ trong điều trị ung thư dạ dày tại Việt Nam; cập nhật tiến bộ trong điều trị đa mô thức ung thư đại trực tràng; các tiến bộ trong điều trị ung thư phổi tại Việt Nam; phẫu thuật nội soi có hỗ trợ robot điều trị bướu thận có chồi tĩnh mạch chủ bụng hay phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn thận điều trị bướu thận giai đoạn cuối…
Các nhà nghiên cứu, giảng viên, bác sĩ và sinh viên đã trao đổi tiếp về học thuật và bàn việc mở rộng hợp tác nghiên cứu về khoa học sức khỏe, đặc biệt là những tiến bộ trong điều trị ung thư.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về hội thảo này, PGS.TS.BS Phillip Trần, chuyên gia tim mạch thuộc Trung tâm Y khoa Yavapai Arizona và Mid Western University (Hoa Kỳ), nhận xét “Hội thảo này rất chất lượng vì có nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước cập nhật những đổi mới về điều trị ung thư. Ví dụ có giáo sư từ đại học Milan, người sáng tạo phương pháp mổ ung thư gan của trường đã được áp dụng trên toàn thế giới”.
“Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ tuy mới hoạt động nhưng đã điều trị những ca ung thư phức tạp và trong tương lai, với nền tảng của một trường đại học, có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, tôi tin rằng bệnh viện này sẽ trở thành một trung tâm tiên phong trong điều trị ung thư ở ĐBSCL và cả nước”, BS Phillip Trần nói thêm.
Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ thuộc trường Đại học Nam Cần Thơ, hoạt động từ tháng 6-2022 theo mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học”. Bệnh viện cao 10 tầng, kinh phí xây dựng 860 tỉ đồng, có 200 giường bệnh và 29 khoa với gần 300 cán bộ, nhân viên là các chuyên gia cố vấn, y bác sĩ, điều dưỡng, y tá giàu kinh nghiệm đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước.
Huỳnh Kim