(SGTT) - Bảo quản thực phẩm tươi sống, thức ăn, thức ăn dặm của trẻ nhỏ sao cho tươi sạch, đảm bảo giá trị dinh dưỡng, an toàn là điều được các bậc cha mẹ rất quan tâm.
Nếu cha mẹ mua thực phẩm tươi sống tại chợ, siêu thị về rồi bảo quản trong tủ lạnh, chế biến trong ngày cho trẻ nhỏ được thì rất lý tưởng. Nhưng trên thực tế, do cuộc sống bận rộn nên việc này rất khó thực hiện. Giải pháp bảo quản, trữ đông thực phẩm là sự lựa chọn của nhiều bà mẹ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với những trẻ có thể ăn chung bữa ăn cùng với ông bà, cha mẹ thì cách bảo quản thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến giống như với người lớn.
Đối với trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi – lứa tuổi bắt đầu ăn dặm – việc bảo quản thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến cần được lưu ý đặc biệt vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đang dần hoàn thiện, còn non nớt, vi khuẩn có hại dễ xâm nhập gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, đường ruột…
Thực phẩm tươi sống
Đối với thịt heo, thịt bò, thì cha mẹ có thể bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thức ăn nên giữ ở nhiệt độ dưới 5 độ C trong hai ngày. Bảo quản trong ngăn đá nên ở nhiệt độ dưới âm 18 độ C và có thể bảo quản trong khoảng 3 tháng nhưng tốt nhất là dùng hết trong vòng 7 ngày.
Các loại cá, hải sản, thịt gia cầm nên được bảo quản sống hoặc chín trong ngăn mát và ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm để trong ngăn mát dưới 5 độ C nên bảo quản trong khoảng 24 tiếng. Thực phẩm để trong ngăn đá tủ lạnh có thể để trong 3 tháng nhưng tốt nhất là dùng hết trong vòng 4 - 5 ngày.
Ngăn để trữ đông thức ăn dặm cho bé nên giữ sạch sẽ và để tách biệt với các ngăn khác, không để chung với thực phẩm tươi sống. Khi rã đông xong nên ngửi mùi, nếm vị, quan sát màu sắc, nếu có bất thường như đổi màu, có chất nhờn hoặc có vị chua lạ, mùi lạ… thì cần bỏ đi.
Rau củ, trái cây
Các loại rau ăn lá nên được để trong ngăn mát tủ lạnh và chỉ rửa khi chế biến thức ăn dặm cho bé. Thời gian sử dụng từ 2 – 4 ngày. Các loại củ có thể để trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 10 ngày.
Một số trái cây thông dụng nên được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh theo thời gian nhất định. Ví dụ để chuối trong vòng 1 - 2 ngày, nho trong vòng năm ngày, bơ trong vòng ba ngày, kiwi trong khoảng một tuần, mãng cầu ba ngày, táo từ hai tuần đến một tháng, dâu tây được tối đa hai ngày.
Thực phẩm đã qua chế biến
Hiện nay có ba phương pháp ăn dặm phổ biến được các bậc phụ huynh lựa chọn là ăn dặm truyền thống, ăn dặm tự chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật.
Lý tưởng nhất vẫn là nấu bữa nào cho bé ăn bữa đó. Nhưng vì thời gian eo hẹp, nhiều bậc phụ huynh chọn cách trữ đông thực phẩm (để trong ngăn đá), nhất là những bậc phụ huynh chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.
Theo một số tài liệu hướng dẫn ăn dặm kiểu Nhật, có thể trữ đông thức ăn dặm cho bé bằng cách để nguội thức ăn đã nấu chín và cho vào túi vô trùng có khóa hoặc cho vào khay trữ thực phẩm, chia thành những ô nhỏ. Có thể trữ đông từ nước rau, củ, quả đã chế biến; các loại thực phẩm riêng lẻ như các loại rau đã nấu chín, cháo trắng, thịt, cá… cho tới các loại thức ăn hỗn hợp như cháo, nước rau củ quả, thịt, cá…
Rã đông thực phẩm đã qua chế biến
Riêng thức ăn đã chế biến rã đông nên được sử dụng trong vòng bảy ngày. Để thực phẩm vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng, các bậc phụ huynh cũng cần phải rã đông đúng cách. Cụ thể, rã đông trong ngăn mát tủ lạnh: đối với thịt bò, heo, gà nên được rã đông trong vòng 8 - 10 giờ hoặc để qua đêm; cá rã đông trong vòng 6-8 tiếng; thịt cua rã đông trong vòng 10 - 12 tiếng; tôm rã đông trong vòng 8 tiếng.
Một số cách rã đông: Rã đông bằng lò vi sóng: chỉ nên chọn nếu lò có chế độ này. Không dùng chế độ hâm nóng để rã đông vì như thế sẽ làm mất chất dinh dưỡng. Rã đông bằng hấp cách thủy: rã đông bằng cách cho các viên thực phẩm đã chế biến còn đông đá vào túi ni lông tốt, đặt dưới vòi nước lạnh
Yến Linh