Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nhật Bản lo quá tải vì làn sóng du lịch ‘trả thù’

Làn sóng du lịch “trả thù” giúp các điểm đến tham quan nổi tiếng ở Nhật Bản hồi sinh nhanh hơn kỳ vọng. Nhưng điều này dẫn đến các lời phàn nàn về tình trạng đông đúc quá mức và các hành vi vô ý thức của du khách như xả rác, gây ồn ào. Giới chức trách Nhật Bản đang xoay sở tìm các giải pháp để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức, có thể dẫn đến những lời kêu gọi hạn chế du khách nước ngoài giống như năm 2019.
Du khách đi lại tấp nập trên một tuyến đường ở quận Tsukiji của thành phố Tokyo, Nhật Bản hồi tháng 5. Ảnh: Kyodo

Phục hồi mạnh mẽ hơn kỳ vọng

Nhật Bản đang bước vào một mùa hè “du lịch trả thù”, với du khách nước ngoài, sau khi bị hạn chế đến Nhật Bản trong gần ba năm trong đại dịch Covid-19, đổ xô đến nước này để giải tỏa nhu cầu dồn nén. Làn sóng du lịch này đã dẫn đến những lời phàn nàn về tình trạng “ô nhiễm du lịch”, tức tình trạng quá tải, xả rác, nói to và những phiền toái khác. Những lời phàn nàn như vậy bắt đầu rộ lên vào năm 2019, khiến nhiều người kêu gọi hạn chế du khách nước ngoài.

“Chúng tôi muốn du khách nước ngoài tìm hiểu các quy tắc văn hóa địa phương nhiều hơn một chút trước khi đến thăm thú và vui chơi ở Nhật Bản”, Masaaki Ono, chủ một cửa hàng cho thuê kimono ở Tokyo, nói.

Một lượng lớn du khách nước ngoài đang quay trở lại Nhật Bản, giúp hoạt động kinh doanh của các chủ doanh nghiệp như Masaaki Ono tốt lên thấy rõ. Tuy nhiên, điều mà anh mong muốn là các vị khách nước ngoài cởi giày ra trước khi bước vào cửa hàng.

Akiko Yoshida, người trước đây từng là phó chủ tịch điều hành cấp cao của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), cho biết Nhật Bản đã dành nhiều năm vào thập niên 2010 để chuẩn bị trở thành một điểm nóng du lịch toàn cầu. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý đã dịch các biển hiệu sang tiếng Anh và tiếng Hoa, lắp đặt mạng Wi-Fi cho du khách và bổ sung thêm các điểm tham quan .

Nỗ lực này đã mang lại kết quả. Năm 2019, Nhật Bản đón gần 32 triệu du khách, gấp hơn 4 lần so với thập niên trước đó. Nhưng đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề cho các doanh nghiệp du lịch trong nước. Giờ đây, sau khi Nhật Bản tái mở cửa biên giới, ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, hơn cả kỳ vọng.

Yoshida nói rằng bà sẽ không ngạc nhiên nếu chi tiêu của du khách nước ngoài trong năm nay vượt qua kỷ lục 4,8 nghìn tỉ yen của năm 2019, tương đương gần 34 tỉ đô la Mỹ.

Hôm 21-6, JNTO cho biết trong tháng 5, Nhật Bản thu hút gần 1,9 triệu du khách nước ngoài, tương đương 68,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ đồng đô la và euro của du khách tăng giá cao hơn khi đồng yen suy yếu. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Nhật Bản gây bất ngờ lớn vì Tokyo chỉ mới dỡ bỏ hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19 vào tháng 10 năm ngoái, muộn hơn so với nhiều nước khác.

Trong khi đồng yen rẻ thường giúp Nhật Bản trở thành điểm đến có chi phí rẻ đối với nhiều du khách phương Tây, một số dịch vụ đang tăng giá mạnh. Các khách sạn sang trọng ở Tokyo đang tính phí hàng nghìn đô la mỗi đêm cho các phòng tiêu chuẩn. Giá thẻ đi tàu Japan Rail Pass loại thường, sử dụng trong 7 ngày sẽ tăng 69% trong tháng 10 tới,  lên mức tương đương hơn 350 đô la. Khi sở hữu thẻ Japan Rail Pass, du khách có thể di chuyển không số hạn số lần trong thời hạn hiệu lực của thẻ trên hầu hết chuyến tàu cao tốc và tàu nhanh ở Nhật Bản.

Tìm cách thích ứng với cơn sốt du lịch

Du khách đổ về công viên Hitachi hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Vân

Mối lo ngại du lịch quá tải xuất hiện ngay cả khi du khách Trung Quốc đại lục, vốn chiếm gần 1/3 tổng số du khách nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2019, hiện chỉ chiếm 7% tính đến tháng 5. Điều này là do Nhật Bản vẫn bị chính phủ Trung Quốc loại khỏi danh sách các điểm đến được chấp thuận cho các chuyến du lịch nước ngoài theo nhóm tour.

Là nhân viên của một công ty ở Nhật Bản, Li Min, người Trung Quốc,  đến nước này trong chuyến công tác kéo dài một tuần gần đây. Trong thời gian nghỉ phép, cô đã đến thăm một điểm giao nhau với đường sắt nằm ven biển ở thành phố Kamakura, nổi tiếng qua một bộ truyện tranh về chủ đề bóng rổ. Du khách đổ xô đến đây và chen chúc để chụp ảnh đoàn tàu màu xanh lá cây và màu vàng chạy qua.

Điểm đến này là và những điểm đến hấp dẫn khác trong thành phố đã khiến nhà ga của Kamakura trở nên đông đúc. Giới chức trách đã phải thử nghiệm cấp cho người dân địa phương một tấm thẻ đặc biệt để vào nhà ga trước du khách để họ có thể đi làm đúng giờ.

Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp du lịch và các quan chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản cho biết họ muốn thích ứng với cơn sốt du lịch, chứ không muốn tìm cách hạn chế.

Hồi tháng 3- 2022, chính quyền thành phố Kyoto phát hành một cuốn sách mỏng, ca ngợi những đóng góp của du khách nước ngoài cho nền kinh tế địa phương.

“Khi du khách quay trở lại Kyoto, họ sẽ không mang lại những vấn đề giống như chúng ta đã gặp phải trước đại dịch Covid-19”, theo nội dung của cuốn sách.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, những lời phàn nàn quen thuộc lại xuất hiện về việc khách du lịch đuổi theo các geisha (những nghệ sĩ biễu diễn nghệ thuật truyền thống) trên đường phố ở Kyoto như những tay săn ảnh.

Kumiko Yoshioka, một quan chức của ngành du lịch ở Kyoto, cho biết chính quyền đang thực hiện các chiến dịch để thông báo cho du khách về các tiêu chuẩn hành vi và khuyến nghị họ đến các điểm tham quan vào giờ thấp điểm, chẳng hạn như thăm một ngôi đền vào lúc bình minh.

Kế hoạch phát triển du lịch của chính phủ Nhật Bản kêu gọi thu hút du khách đến các khu vực cách xa Tokyo và Kyoto và tập trung vào những du khách “chất lượng”,  tức là những du khách có mức chi tiêu cao.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích giới chức trách đã không sử dụng ba năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 để giải quyết các vấn đề liên quan đến du lịch quá mức.

Avi Lugasi, CEO của Công ty du lịch Windows to Japan, có trụ sở tại Kyoto, cho biết ông rất lo ngại về vấn đề này. Bản thân ông đã chứng kiến một số điểm tham quan ở thành phố này đông đến mức ông không thể thấy “mặt đất ở dưới chân”.

Hiro Miyatake, người sáng lập mạng lưới các công ty du lịch cao cấp Bear Luxe Corp, cho biết xích mích giữa người dân địa phương và du khách đã xảy ra và có khả năng còn tồi tệ hơn trước đại dịch.

Giám đốc điều hành Eijiro Yamakita của JTB, hãng lữ hành lớn nhất Nhật Bản, nói: “Chúng tôi cần chuẩn bị cho kỷ nguyên mới vì chúng tôi không muốn lặp lại những vấn đề trong quá khứ với tình trạng du lịch quá mức”.

Yamakita cho biết, thay vì hạn chế du khách nước ngoài, Nhật Bản nên hướng dẫn họ đến những khu vực mới, khuyến khích họ im lặng hơn một chút và phải lắp đặt nhiều thùng rác hơn.

Lê Linh

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mùa lá vàng, lá đỏ ở Nhật Bản lập kỷ lục...

0
Thời tiết ấm áp kéo dài khiến mùa lá đỏ và lá vàng tại Nhật Bản có thể đạt đỉnh muộn hơn so với...

Nhật Bản xúc tiến du lịch khen thưởng tại thị trường...

0
(SGTT) – Gần đây, du lịch khen thưởng (incentive) ngày càng thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó,...

Du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh

0
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản công bố ngày 16-10, khách nước ngoài đến Nhật Bản...

Gợi ý 5 cung đường hiking khám phá Nhật Bản cho...

0
(SGTT) - Nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Nhật Bản, thì hoạt động đi bộ đường...

Mùa lá đỏ ở Nhật Bản dự kiến đến chậm do...

0
(SGTT) – Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, mùa lá đỏ ở Nhật Bản năm nay dự kiến sẽ đến muộn...

Ghé Hamamatsu, thăm nơi lưu giữ hàng ngàn nhạc cụ trên...

0
(SGTT) – Bảo tàng nhạc cụ Hamamatsu nằm tại thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka được xem là bảo tàng đầu tiên và duy nhất...

Kết nối