Sau cuộc họp kéo dài 5 ngày của Ủy ban đàm phán liên chínhh phủ về ô nhiễm nhựa thuộc Liên hợp quốc ở Paris (Pháp), hôm 3-6, đại diện của 169 quốc gia nhất trí soạn thảo hiệp ước sơ bộ về chấm dứt ô nhiễm nhựa trước khi họ tiến hành cuộc họp tiếp theo ở Kenya vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, các nước vẫn đang chia rẽ về nội dung cuối cùng của hiệp ước này liên quan đến các vấn đề như liệu các quy định của hiệp ước có nên mang tính ràng buộc pháp lý hay không và liệu chúng có hạn chế các công ty hóa dầu sản xuất nhựa hay không.
- Ở đâu ô nhiễm không khí cao nhất?
- Việt Nam từng bước loại bỏ nhựa dùng một lần, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Một nhóm gồm 130 nước, bao gồm Mexico, Canada, New Zealand và hầu hết châu Âu, muốn xây dựng các quy tắc ràng buộc pháp lý. Một liên minh “tham vọng cao” gồm 20 nước do Na Uy và Rwanda dẫn đầu, cùng với các tổ chức bảo vệ môi trường, muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa hoàn toàn vào năm 2040 bằng cách cắt giảm sản xuất nhựa và hạn chế một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa.
“Các dự đoán cho thấy một đứa trẻ sinh ra ngày nay sẽ chứng kiến lượng nhựa sản xuất tăng gấp đôi khi chúng 18 tuổi. Nhưng chúng ta đều biết rằng hậu quả của việc gia tăng sản xuất nhựa sẽ là thảm họa đối với sức khỏe, hành tinh và khí hậu của chúng ta”, Tiến sĩ Tadesse Amera, người dẫn đầu phái đoàn của Mạng lưới loại bỏ các chất ô nhiễm quốc tế, nói tại cuộc họp ở Paris.
Tuy nhiên, các nước sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch như Mỹ, Nga và Trung Quốc muốn có một hệ thống tự nguyện, ít tham vọng hơn, trong đó, họ được tự do thiết lập các khuôn khổ của riêng mình.
Việc hạn chế sản lượng nhựa mới sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành hóa dầu, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nhựa ngày càng tăng ở các nền kinh tế mới nổi khi thế giới rời xa nhiên liệu hóa thạch.
Một liên minh các doanh nghiệp bao gồm một số tập đoàn tiêu dùng lớn nhất thế giới như Unilever, Nestlé và PepsiCo, cũng như các nhà bán lẻ và nhà sản xuất bao bì, ủng hộ cách tiếp cận chặt chẽ hơn. Tại cuộc đàm phán ở Paris, họ đã vận động các quy tắc được tiêu chuẩn hóa để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm giảm sản xuất, tái sử dụng và tái chế cũng như loại bỏ dần các hóa chất độc hại.
Jodie Roussell, giám đốc quan hệ công chúng cấp cao phụ trách đóng gói và tính bền vững của Nestlé, nói rằng một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý với các quy tắc hài hòa là rất quan trọng.
“Các doanh nghiệp nhận ra rằng việc chỉ đặt ra mục tiêu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa trong một hiệp ước có rất ít giá trị”, bà nói.
Anke Boykin, Giám đốc cấp cao về chính sách môi trường toàn cầu của PepsiCo, cho rằng, cần phải có một hiệp ước ràng buộc về tính pháp lý để cung cấp khả năng dự đoán về quy định quản lý.
Nhưng Emma Priestland, chuyên gia điều phối nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa của doanh nghiệp toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận Break Free From Plastic, cho biết các doanh nghiệp chưa tiến hành nhiều thay đổi trong mô hình kinh doanh của họ hiện nay.
Theo Break Free from Plastic, Coca-Cola, PepsiCo, Nestlé, Mondelēz và Unilever là những doanh nghiệp gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới.
Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC), cơ quan công nghiệp đại diện cho ngành hóa dầu, đã tranh luận về các giải pháp không yêu cầu giảm sản xuất nhựa, chẳng hạn như quản lý và tái chế rác thải nhựa.
ACC nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục sử dụng vật liệu nhựa trong các ứng dụng hàng không vũ trụ, vận tải và y tế.
Stew Harris, Giám đốc cấp cao về chính sách nhựa toàn cầu của ACC, nói: “Chúng tôi đã nghe rất nhiều cuộc bàn luận trong tuần này về việc giới hạn sản lượng nhựa. Nhưng chúng tôi cũng đã nghe rất nhiều cuộc nói chuyện từ các chính phủ đề cao vai trò của nhựa trong việc đạt được các mục tiêu của xã hội”.
Các nhà vận động bảo vệ môi trường cảnh báo nỗ lực vận động hành lang của ngành công nghiệp hóa dầu có thể dẫn đến một hiệp ước yếu ớt.
“Rủi ro bao trùm là hiệp ước này trở thành một hiệp ước quản lý rác thải nhựa”, Graham Forbes, lãnh đạo dự án nhựa toàn cấu của tổ chức Greenpeace USA, nói.
Các cuộc đàm phán về nội dung của hiệp ước giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu chỉ bắt đầu diễn ra vào ngày thứ ba của cuộc họp ở Paris, sau khi Saudi Arabia, Nga và Trung Quốc phản đối đề xuất hiệp ước được nhất trí theo đa số phiếu ủng hộ thay vì đồng thuận tuyệt đối. Sự đồng thuận như vậy có nghĩa là các nước riêng lẻ có thể phủ quyết việc thông qua một hiệp ước mà họ cho rằng bất lợi đối với họ.
Dự thảo đầu tiên của hiệp ước sẽ được công bố tháng 11 và các nước có thời hạn đến cuối năm sau để thương lượng các điều khoản cuối cùng.
Lê Linh
Theo Financial Times, Kinh tế Sài Gòn Online