Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Ông già Phú Quốc

Hiếu Thảo

Bước chân phiêu bạt đã đưa ông đến Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc. Gành Dầu, khi đó (1990) còn là vùng đất thưa người. Cái mênh mông của biển xanh và thâm u của rừng nguyên sinh đã níu chân ông ở lại. Sau gần hai mươi lăm năm bám trụ với đầy thử thách, với trái tim yêu nồng nàn, người đàn ông cơ hàn trở thành chủ một lữ quán nổi tiếng ở mũi đất tận cùng vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc – ông Nguyễn Thành Trang, dân đảo hay gọi là Út Trà Đá.

Sáng sớm, biển Gành Dầu gợn sóng lăn tăn, không gian yên tĩnh. Hớp ngụm nước trà, giọng trầm tư, ông Út nói: “Tôi quê ở Hòn Đất (Kiên Giang), là con út nhưng nhà nghèo, cha mẹ lại mất sớm nên phải xa nhà kiếm sống bằng nhiều nghề. Nhiều lần ra Phú Quốc mua khô cá vụn đem về bán trong đất liền, vậy là nó níu mình ở lại với Gành Dầu”. Đó là năm 1990, khi ấy ông Út đã 52 tuổi. Mọi chuyện phải làm lại từ đầu với đôi bàn tay trắng. Cái chòi lá tẹp nhẹp cạnh bãi biển Gành Dầu là nơi ông bà trú nắng mưa.

Ông Út Trà Đá nặng tình với Phú Quốc, vùng đất mà ông đã chọn để định cư và lập nghiệp hơn 20 năm qua. Ảnh: Hiếu Thảo
Ông Út Trà Đá nặng tình với Phú Quốc, vùng đất mà ông đã chọn để định cư và lập nghiệp hơn 20 năm qua.
Ảnh: Hiếu Thảo

Nhà ông cũng chính là tiệm tạp hóa và quán trà đá cho ngư dân, biệt danh Út Trà Đá cũng từ đó mà ra. “Lúc ấy, Gành Dầu còn hoang sơ, treo nải chuối trong nhà mà khỉ lẻn vào ăn. Thỉnh thoảng mới có khách ghé thăm, vì đường sá chưa thông”, ông kể.

Cũng như nhiều người vì yêu Phú Quốc mà chọn đất này lập nghiệp, ông bền lòng bám trụ. Khoảng năm 2004, đường từ thị trấn Dương Đông đến Gành Dầu được nối liền, du khách đến Gành Dầu ngày càng đông hơn. Vì vậy, ông đầu tư xây quán khang trang, rộng rãi, sắm máy phát điện, lắp đặt thêm hệ thống pin năng lượng mặt trời, nước sạch, thiết bị âm thanh, nhạc cụ… để có thêm tiện nghi phục vụ du khách.

Hiện nay, quán ông Út Trà Đá cùng lúc có thể phục vụ 300 khách. Nhìn quanh dãy nhà rộng rãi, thoáng mát, có ghế, võng cho khách tựa lưng ngó ra biển, ông nói, giọng tâm đắc: “Trước mặt là biển, sau lưng là rừng, ngó sang bên kia bốn cây số rưỡi là nước Campuchia, nên tôi đặt là Biên Hải Quán”.

Bãi biển Gành Dầu hình trăng khuyết thơ mộng, còn con người ở đây thì chơn chất, mộc mạc. Nhiều lần gặp, ông Út Trà Đá tự cho mình là “dân rừng”, nhưng cách cư xử của ông luôn gây thiện cảm cho nhiều người.

Hai đứa cháu nội được ông đào tạo để tự đàn và hát phục vụ du khách, bằng giọng ca trong vắt như thủy tinh mà ông giới thiệu là “tiếng hát rừng nguyên sinh”. Những lúc cao hứng, ông ôm đàn cất câu vọng cổ ngợi ca biển đảo quê hương. Tay vừa khảy đàn ghi ta phím lõm, miệng vừa ngân nga luyến lái ngọt ngào.

Giọng run run của ông già 73 tuổi hòa với tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân, vớí tiếng chim hót líu lo vọng ra từ rừng nguyên sinh, gây nhiều cảm xúc cho du khách về thiên nhiên và con người nơi đây.

Ngoài ông bà, quán hiện có 15 nhân viên, lúc vắng khách ông chuyển qua sản xuất muối tiêu, sản phẩm cây nhà lá vườn mà ông lấy làm tự hào.

Ông kể, lúc đầu ông làm ra muối tiêu chỉ để đãi khách kèm với hải sản nhưng ai cũng khen ngon, động viên ông sản xuất nhiều hơn. Để có được muối tiêu ngon, ông chọn những hạt tiêu chín đỏ phơi khô, sau đó xay nhuyễn trộn với nước tỏi, tiêu, đường và rang sấy, tạo nên hỗn hợp muối tiêu thơm lừng, nồng cay của vị hồng tiêu Phú Quốc.

Hơn 20 năm sống trên đảo, điều làm ông vui nhất là những gì mà Phú Quốc có được hôm nay. Ông nói: “Tôi như đang sống trong giấc mơ. Phú Quốc mình bây giờ có cảng hàng không quốc tế, có cảng biển, có đường nhựa vòng quanh, có điện ngầm ra đảo, có chùa Hộ Quốc… như vậy là sướng như tiên”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Kết nối