Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Quà quê nơi thành phố

(SGTT) - Với nhiều người xa quê vào TPHCM sinh sống, những chai nước mắm rót từ lu mắm nhà làm gửi vào luôn là món quà quý. Họ đã quen thuộc với hương vị truyền thống này đến mức nếu không chấm được thức ăn vào chén nước mặn sần, nhiều khi ê cả răng ấy, họ sẽ nhớ không chịu nổi.

Nước mắm gửi xe khách

Khi thì một tuần lúc thì nửa tháng, chị Huyền Châu (29 tuổi, làm việc ở một tạp chí thời trang tại TPHCM) lại ra bến xe để nhận đồ mẹ gửi từ Phan Thiết (Bình Thuận) vào nào là nước mắm, cá cấp đông, một ít rau củ quả nhà trồng.

“Nhà mình gần biển, ba mình cũng đi biển, má ở nhà làm nước mắm nên từ khi vô thành phố học tập làm việc mình toàn ăn nước mắm ở nhà gửi vô thôi”, chị Châu nói.

Nhiều người xa quê thường nhớ nhung, muốn nếm hoài vị nước mắm quê hương. Ảnh Huyền Châu

Theo chị Châu, chị đã quen vị nước mắm truyền thống với mùi đặc trưng, dùng để nấu hay chấm sống đều ngon. Chị kể: “Hôm nào hết nước mắm mà ở nhà chưa gửi, mình cũng không mua bên ngoài mà sẽ nấu món khác không cần nước mắm. Cô mình ở gần đây nếu hết nước mắm cũng đợi mình đem qua ăn đỡ”.

Còn đối với chị Lê Thị Phương (31 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), vì “lười biếng” nên chị ít khi nhờ người nhà ở Quy Nhơn (Bình Định) gửi đồ ăn ngoài quê vào.

“Thế nhưng từ hồi lo lắng về đồ ăn không an toàn, mình hay nói mẹ với em gái gửi vào chả cá, nem, bánh ít, thịt gà kho, gần đây là nước mắm mẹ tự làm”, chị nói. Mẹ chị Phương ngoài công việc phụ làm nem cho một xưởng gần nhà, thời gian rảnh đã ủ cá để làm một lu nước mắm đặt bên hông bếp.

Tết năm ngoái khi chị Phương về quê, mẹ làm món cá hấp rồi chấm bằng nước mắm ngoài lu, khỏi phải nói chị ăn ngon miệng đến mức xuýt xoa hoài.

Chị kể: “Bao nhiêu năm vô thành phố sống cũng quen với nước mắm trong đây vì tiện lợi, nay ăn lại nước mắm chính tay mẹ làm thấy cái vị quen thuộc hồi nhỏ, thấy bao nhiêu là kỷ niệm. Vậy là ăn tết xong tôi lấy hai chai rỗng rót một lít đem vô để dành ăn dần”.

Vị quê trong từng món ăn

Vốn yêu thích việc nấu ăn, chị Châu thường nấu các món cá kho, cá chiên, rau luộc và dùng nước mắm nhà gửi vào để nêm nếm. Cuối tuần, chị còn nấu bún chả cá, lẩu cá theo đúng khẩu vị quê hương.

Những chai nước mắm rót từ lu mắm quê hương được bán trên mạng với giá từ 80.000 đồng/lít. Ảnh Huyền Châu

“Hôm rồi mình mới kho tộ cá bớp, bạn bè ghé chơi ăn cơm ai cũng khen đậm đà. Nấu nướng với nước mắm, với đồ quê thích lắm”, chị Châu chia sẻ.

Vì có khoảng sân thượng trồng hoa thoáng mát, chị Phương thi thoảng mời bạn bè đến cùng nấu ăn rồi dọn lên sân thượng ăn. Lúc đầu bạn chị chấm rau bằng nước mắm nguyên chất của nhà chị thì nhăn mặt không quen và cho rằng nó mặn quá.

Chị kể: “Sau vài lần ăn như vậy, họ cũng quay qua ghiền nước mắm nhà tôi, còn chiết đem về nữa. Giờ tôi cũng dặn mẹ gửi vô thêm cho mình”. Những món như cá trê chiên chấm mắm gừng, cá nấu ngót, mực xào mướp... của chị đãi bạn bè luôn được họ chụp ảnh đăng trên Facebook vì hương vị khác biệt, tươi ngon.

Vợ chồng anh Trần Tiên (38 tuổi, ngụ quận 7) cũng là “tín đồ” của nước mắm gửi từ quê hương Phú Yên. Anh Tiên nói: “Ngoài quê có gì ngon là tôi lại nhờ chị tôi gửi vô, khi thì cá mắm, khi là trứng vịt trứng gà, trái cây. Rau cải, xà lách, ngò… thì hai vợ chồng trồng trên sân thượng, và dĩ nhiên không thể thiếu nước mắm ngoài quê gửi”. Món mà anh chị ưa thích mỗi dịp cuối tuần là lẩu gà lá é với gà và lá é gửi xe khách từ quê vào.

“Thịt gà chắc, lá é tươi xanh, nấu lên chấm với nước mắm dằm ớt ngon ngất ngây. Tuần nào không ăn là lại thấy thiếu thiếu”, anh Tiên cười tươi cho biết.

Ngoài ra, anh chị cũng thường nhờ người ở quê gửi vào món bánh hỏi, bánh bèo chấm với nước mắm bỏ ngò cắt nhỏ. Nước mắm quê hương trở thành gia vị không thể thiếu của gia đình anh chị. Anh đùa rằng mỗi sáng phải có ly cà phê thì mỗi bữa ăn phải có một chén nước mắm chấm.

Tập tành bán nước mắm trực tuyếnBạn bè chị Châu sau khi ăn thử các món ăn nêm nếm bằng vị nước mắm “quê mùa” của chị đã hỏi mua. “Ban đầu tôi chỉ bán cho người quen, sau thấy mọi người ủng hộ nhiều nên nhờ má gửi vào nhiều hơn. Tự tôi đi giao hàng cho khách luôn”, chị kể.Mỗi lít nước mắm chị Châu bán có giá từ 80.000 đồng. Không chỉ bán nước mắm, chị còn bán các loại cá biển như cá nục, cá bớp, cá thu, mực, hoặc chế biến sẵn một số món như cá kho tộ. “Sạp hàng” trực tuyến của chị luôn được mọi người ủng hộ vì giá cả phải chăng và tự tay cô chủ hoạt bát giao hàng.Chị Phương cũng nhận đặt hàng nước mắm, bánh ít nhân dừa, nhân đậu xanh và gom đơn hàng vào mỗi cuối tuần. Chị cho biết vì mẹ chị chỉ làm một lu nước mắm nên số lượng bán cũng hạn chế, chủ yếu cho bạn bè. “Cái chính là mình đáp ứng nhu cầu của người xa quê muốn nấu nướng bằng nước mắm ngoài quê, giá bán cũng chỉ nhỉnh hơn giá ngoài tiệm chút thôi”, chị nói.

Ngọc Khánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyện về người ngư dân với đam mê làm nước mắm

0
(SGTT) – Tại khu làng chài nhỏ Mân Thái, thành phố biển Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Mười được biết đến là “lão ngư”...

Nước mắm OCOP Phú Yên hối hả vào vụ Tết

0
(SGTT) - Dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng các cơ sở sản xuất nước mắm theo mô hình sản phẩm truyền...

Khởi nghiệp vì trót yêu nước mắm truyền thống

0
(SGTTO) - Giữa lúc cuộc chiến nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống vẫn còn gay gắt, chị Lương Hoàng Anh đã...

Mua bán nước mắm nhà làm trên mạng

0
(SGTT) - Cùng với các mặt hàng thực phẩm khác, cộng thêm những thông tin định danh lại giá trị của loại nước mắm...

Mua đúng nước mắm truyền thống

0
(SGTT) - Đi tham quan nhà thùng kết hợp mua nước mắm, điện thoại cho đại lý nhà thùng đem đến tận nhà hay...

Kết nối