Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Gặp nhà khởi nghiệp chuỗi cửa hàng mì trộn từng ‘quá tam ba bận’ đóng cửa giấc mơ ẩm thực

Đang sở hữu bốn cửa hàng bán mì trộn tại các quận TPHCM, anh Đặng Khả Luân vẫn không quên ngày tháng thất bại khi tự kinh doanh ẩm thực trước đây. Trải qua hai năm bị tác động nặng nề bởi Covid-19, chuỗi cửa hàng khởi nghiệp của anh Luân cùng cộng sự may mắn đứng vững vì kịp chuyển mình vượt qua cơn khủng hoảng dịch bệnh.

Khép lại ước mơ, chờ thời cơ mới

Từng là sinh viên quản trị kinh doanh, học thêm khóa đào tạo đầu bếp món châu Á vì đam mê ẩm thực, anh Đặng Khả Luân, CEO của hệ thống mì trộn tại TPHCM, chia sẻ trước khi mở chuỗi cửa hàng Park Kim Thang đã từng thử sức với ba lần mở quán phục vụ món ăn bình dân. Giai đoạn ban đầu gian nan, một mình lo liệu mọi thứ và vốn kinh nghiệm ít ỏi, anh Luân liên tiếp nhận về thất bại để rồi tự mình khép lại giấc mơ kinh doanh ẩm thực, chờ một cơ hội khác tốt hơn để quay trở lại.

Bén duyên với ẩm thực vốn xuất phát từ sở thích muốn ăn ngon, chủ động nấu món đúng theo ý muốn của mình, và đây cũng là cách anh Luân tự thưởng bản thân sau những giờ làm việc căng thẳng khi trở về nhà. Nhà khởi nghiệp này đã tốt nghiệp khóa học làm bếp Á và thực tập ở nhiều vị trí bếp nhà hàng khác nhau để tích lũy thêm kiến thức cho mình, cũng nhằm tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm cho kế hoạch kinh doanh dịch vụ ăn uống.

“Tôi nhớ lúc mở quán, tôi tự làm hết mọi thứ theo bản năng và chỉ có người nhà phụ giúp nên nhiều chuyện không được suôn sẻ, bài toán đong đếm giá thành nhiều lỗi sai. Tôi nghĩ việc kinh doanh bây giờ không dừng lại ở chuyện làm món thật ngon nữa mà phải đầu tư vào chiến lược truyền thông cũng như khâu dịch vụ. Có lẽ ba bài học thất bại đã cho tôi nhiều cách nhìn và tư duy về đứa con tâm huyết lần này”, anh tâm sự.

Anh Luân tại cửa hàng mì trộn chi nhánh ở quận 3. Ảnh: An Phú

Mãi đến năm 2020, khi được một người bạn học cùng ngành bếp, hiện là bếp trưởng tại hệ thống cửa hàng, gợi ý sao mình không thử bắt đầu với món mì trộn có phong cách của Hàn Quốc nhưng vẫn dễ biến tấu thêm vào hương vị Việt Nam, anh nghĩ ngay đến ý tưởng kinh doanh và tìm thấy những người cùng tần số. Từ đó, anh Khả Luân chính thức hợp tác cùng ba cộng sự mở cửa hàng mì trộn đầu tiên tại TPHCM sau bao năm gói ghém ước mơ có cửa hàng cho riêng mình.

“Chúng tôi đã khai trương quán đầu tiên ngay trong thời điểm nhạy cảm đầu đợt dịch và món mì trộn cũng đã có nhiều cửa hàng, thương hiệu lớn, có tên tuổi đi trước. Tuy vậy, việc sinh sau đẻ muộn cộng với giai đoạn ảnh hưởng vì dịch Covid-19 đã cho chúng tôi động lực chuyển mình, thay đổi thích nghi về sau”, anh nói thêm.

Cải tiến, thức thời qua… app

Ngay khi xuất hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trên toàn thành phố, đội ngũ của anh Luân đã lập tức dồn nguồn lực, tập trung chiến lược bán hàng qua app. Anh nhận thấy thời điểm đấy là sân chơi của nền tảng online. Theo anh quan sát, trước đó, nhiều hàng quán vẫn chưa đăng ký ứng dụng giao đặt hàng. Tuy vậy, khi dịch bệnh xuất hiện, khách không được ăn tại chỗ, buộc quán phải bán mang đi và tuân thủ giãn cách, “người người nhà nhà” đều lên sàn và xem đó là giải pháp thích nghi, duy trì quán hoạt động mỗi ngày.

Xuyên suốt hai năm 2020 và 2021, nhờ lượng đơn thu về từ app đặt hàng cùng địa điểm quán tập hợp tệp khách hàng giới trẻ, dân văn phòng, mỗi tháng quán tăng trưởng từ 5-10%, anh Luân thừa thắng xông lên mở thêm ba chi nhánh với mong muốn mỗi quận huyện sẽ có một cửa hàng, tăng độ nhận diện cho thương hiệu còn non trẻ.

Tính đến nay, hơn 70% doanh thu quán nhờ lượng đơn đổ về các app giao hàng. Quán cũng được Grab ghi nhận và trở thành đối tác phát triển tốt, lọt vào thứ hạng cửa hàng được đánh giá cao trên nền tảng Baemin.

Lượng đơn bán qua app đặt hàng chiếm phần lớn doanh thu của quán. Ảnh: NVCC

Anh Luân tâm sự, việc đầu tư mở bốn cửa hàng chưa đầy một năm là bước đi nhiều đánh đổi. Để có vốn cũng như tạo ra món ăn với giá cả cạnh tranh, cả bốn người trong dự án đều làm không nhận lương, lấy công làm lời ở thời gian đầu. Anh nói thêm, việc cắt giảm chi phí nhân sự nội bộ, tìm cách thương lượng với nhà cung cấp nguyên liệu cho lấy hàng theo từng đợt có giá sỉ, tập trung xây dựng hình ảnh, chất lượng dịch vụ, nguyên liệu tươi sạch… đã giúp chuỗi cửa hàng mì trộn của anh sống được trên thị trường khi cạnh tranh với rất nhiều dịch vụ ăn uống khác.

Tuy vậy, hết sóng nhỏ đến sóng to, quán cũng “án binh bất động” ba tháng liền vì tình hình dịch ngày càng phức tạp. Anh không bán được hàng, phải gánh tiền mặt bằng, phụ cấp lương cho nhân viên, chi phí vận hành đã khiến anh Luân cùng đồng đội gặp khó khi trở về bình thường mới.

“Thị trường sau dịch biến động, cụ thể nhiều cửa hàng start-up mọc lên, các ông lớn hồi sinh lại bằng những vị trí mặt bằng đẹp nên tìm điểm thuê mở thêm chi nhánh cũng gặp khó. Bên cạnh đó, món mì trộn cũng có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi nên kế hoạch phát triển thêm cửa hàng sau dịch của chúng tôi phải tạm dừng vì nhiều lý do”, anh Luân bày tỏ.

Anh Khả Luân đại diện quản lý cũng như giám sát các hoạt động của bốn chi nhánh. Ảnh: An Phú

Hai năm kinh doanh trên app đặt hàng với hơn một triệu phần ăn đến tay khách, anh Luân cho biết sắp tới quán sẽ đánh mạnh truyền thông, chương trình khuyến mãi kích cầu khách dùng tại quán bên cạnh nền tảng online.

Trước ý kiến mì trộn là món ăn bình thường, chỉ nằm trong danh sách món ăn đổi vị bên cạnh các lựa chọn truyền thống vào các bữa trong ngày như cơm, bún, phở, cháo, anh Luân giải thích khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn từ món ăn vặt, ăn no, ăn chơi, món Việt, món ngoại… “Những ai muốn ăn vặt nhưng vẫn no, hoặc ngán món no muốn đổi vị, món mang phong cách vừa Hàn vừa Việt thì đến với chúng tôi. Chỉ cần cứ mười người ăn trưa có hai người chọn ăn mì là đã ổn giữa nền tảng online trăm ngàn người bán, đủ ưu đãi, khuyến mãi hiện nay”, anh Luân nhấn mạnh.

Nhìn lại hành trình đã qua cùng cộng sự của mình, CEO Đặng Khả Luân tâm niệm thời gian và bài học thất bại như ngọn lửa sắt bén tôi luyện anh không ngừng. Từ quán ăn nhỏ bên đường đến chuỗi cửa hàng, anh nhận thấy mình điềm đạm và bình tĩnh khi đón nhận mọi thứ hơn.

Không chỉ dừng lại ở bốn chi nhánh, trong tương lai, anh Luân dự định sẽ nhân rộng mô hình và thận trọng với câu chuyện làm thương hiệu, tránh tình trạng nhượng quyền tràn lan, mở cửa hàng nhưng hoạt động không hiệu quả.

An Phú

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp gắn với du lịch Huế

0
(SGTT) - Trong số 13 ý tưởng dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh trong buổi lễ...

Dự án các loại bánh làm từ khoai mì đạt giải...

0
(SGTT) - Dự án "Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami" của anh Mai Tuấn Anh (TPHCM) đã nhận giải nhất cuộc thi...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Khởi nghiệp ở tuổi U-80

0
(SGTT) - Như Kinh tế Sài Gòn đã có bài trên số báo 10-2024, mạng xã hội do cựu Tổng thống Donald Trump thành...

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

0
(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn...

Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực...

0
(SGTT) -  Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng...

Kết nối