(SGTT) – Vốn xuất thân là “dân kế toán”, vậy nhưng, chị Lê Thị Ngọc Anh, 38 tuổi, đến từ Đà Nẵng lại chọn ngã rẽ sang thuốc nam. Hiện nay, chị đã có được những thành công ở con đường mới này. Mục tiêu sắp tới mà chị nhắm đến là các sản phẩm của mình đạt chứng nhận OCOP địa phương.
- "Cô gái YesHue" và hành trình mang gia vị bún bò Huế ra nước ngoài
- Cô giáo vùng cao ở Kon Tum quyết khởi nghiệp bằng đặc sản quê nhà
- Nữ kế toán về quê làm nước mắm, khuyên mẹ giữ nghề truyền thống gia đình
Chia sẻ về quá trình đến với ngành dược liệu này, chị Anh cho hay, thời gian trước, khi vừa tốt nghiệp khoa Kế toán kiểm toán của trường Đại học Kinh Tế (Đà Nẵng), chị đã có ý định trở thành một nhân viên kế toán theo sở thích và mong muốn của gia đình.
Vậy nhưng, trong một lần tình cờ biết về dược liệu liên quan đến thuốc nam, chị tự hỏi, liệu đây có phải là con đường sau này mà mình theo đuổi. Dần dần, qua những lần gặp gỡ các thầy thuốc Đông y uy tín tại địa phương, chị nhận thấy mình nên trang bị kiến thức quy củ hơn. Nghĩ là làm, chị quyết định đăng ký học lớp Y học cổ truyền 2 năm do Hội Đông y TP Đà Nẵng tổ chức. Song song đó, chị còn lên mạng tìm hiểu về các giống cây, lá quý hiếm mà mình chưa có dịp tiếp cận ngoài đời.
Sau 7 năm theo đuổi, nhờ sự cố gắng, cần cù, có tâm với nghề, chị đã lập nên cơ sở dược liệu Bách Hội tại chính quê hương. Hiện cơ sở có khoảng 50 mặt hàng như đinh lăng, ba kích, khổ qua rừng, các loại nấm dược liệu, sâm rừng các loại, chuối khô, táo mèo... Đặc biệt, các sản phẩm sau khi phơi, sấy khô được đóng gói bao bì, hút chân không và ép nhiệt để bảo quản.
Để có được "vùng nguyên liệu" như ý, chị đã không ngần ngại đi lên những cánh rừng ở Bà Nà, Sơn Trà, Hòa Bắc, Hòa Phú, Đông Giang tìm nguyên liệu. Theo đó, 90% nguồn nguyên liệu tìm kiếm là tại Đà Nẵng, phần còn lại tại các vùng ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một số địa phương lân cận.
Giới thiệu về công dụng các mặt hàng dược liệu trong sự hồ hởi, chị Ngọc Anh cho biết, cây thìa canh hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu, hạ đường huyết; cây ngũ gia bì điều trị nhức xương khớp, suy nhược, sưng đau, tiểu tiện kém; khổ qua rừng hỗ trợ điều trị tiểu đường, thanh nhiệt, giải độc; gói lá xông spa, gói lá tắm sau sinh, gói lá tắm cho bé trừ rôm, sảy. Theo đó, giá bán sản phẩm dao động từ 30.000 đồng trở lên tùy thuộc nguyên liệu và trọng lượng.
Để bảo đảm cung cầu, chị Anh đã bàn bạc với gia đình và sắp tới đây sẽ thuê đất, xây dựng vườn dược liệu, làm nhà xưởng để đầu tư trồng dược liệu. Trước mắt, cơ sở có 7 nhân công thời vụ, 10 đại lý thu mua, bán dược liệu ở Quảng Nam, Đà Nẵng... cho doanh thu ổn định để duy trì công việc.
Ngoài ra, tại cơ sở Bách Hội, chị Anh còn mở quán trà Dưỡng sinh Bách Hội phục vụ các món nước uống là trà tốt cho sức khỏe (20.000 - 50.000 đồng/ly). Đây cũng là nơi để người dân tìm hiểu thêm về giá trị cây thuốc nam.
Không chỉ cung cấp dược liệu cho tỉnh, nhà, chị Anh còn tích cực tham gia các hội trợ, triển lãm kết nối để mang sản phẩm của mình đi muôn nơi. Trước mắt, có một số đơn vị ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng đã liên hệ để mua sản phẩm của Bách Hội.
"Mục tiêu tới đây của tôi không chỉ là mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng mà nó còn phải là một trong những điểm nhấn của Đà Nẵng hay Quảng Nam. Cụ thể, tôi sẽ hoàn thiện công việc để đạt chứng nhận OCOP địa phương cho các sản phẩm của mình sớm nhất", chị Anh cho biết.
Tiên Sa