(SGTT) – Sau khi chính thức ra mắt vào cuối tháng 4-2022, bên cạnh các nền tảng xã hội khác, TikTok Shop trở thành mảnh đất mới cho những nhà sáng tạo nội dung kiêm kinh doanh đa dạng kênh bán hàng. Nhiều người đã tận dụng cơ hội này để bắt đầu khởi nghiệp; tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều hiện tượng câu view gây tranh cãi.
- Sớm kết thúc ‘thử nghiệm’ để không phải mua bán Molnupiravir bất hợp pháp
- Xếp hàng mua bánh trung thu, có đơn hàng hơn 8 triệu đồng
- Dù kinh doanh ảm đạm nhưng mua bán và sáp nhập khách sạn vẫn nhộn nhịp
Từ làm chơi thành thật, mỗi ngày trăm đơn hàng
Bắt đầu “nổ” đơn trên TikTok Shop được hơn 20 ngày, chị Phạm Thị Ngọc là chủ tài khoản “Bầu Trời Tích Cực” với 135.000 người theo dõi trên TikTok, chia sẻ cơ duyên biết đến mô hình này hết sức tình cờ, từ làm chơi, giờ đây trở thành công việc chính của chị Ngọc.
“Tôi tham gia kinh doanh trên TikTok Shop là do một người bạn có kiến thức về TikTok đã nói với tôi tài khoản của mình có lượng người quan tâm lớn như vậy mà không bán hàng thì phí quá. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ về việc kiếm tiền trên đây. TikTok Shop mới mở gần đây thôi và tôi cũng là một trong những người tham gia khá sớm nền tảng này”, chị nói.
Theo chị Ngọc, mục cửa hàng trên TikTok rất thuận lợi và dễ dùng cho cả người bán, người mua. Nhờ tính năng mua bán trực tiếp trên live, đưa ra nhiều ưu đãi, khuyến mãi liên tục, giảm giá, miễn phí vận chuyển thường xuyên đơn chỉ từ vài chục nghìn đồng đã thu hút nhiều khách hàng đến với kênh này. Chị nói thêm, nhiều người trong các hội nhóm đang đánh giá TikTok Shop như một cơn bão hút hết người dùng từ các nền tảng, trang thương mại điện tử khác đổ dồn về.
Nói thêm về mục đích ban đầu dùng TikTok, chị Ngọc chủ yếu chỉ để xem và chơi cho vui, thi thoảng mới hoạt động vì công việc đầu tư thường ngày khá bận rộn. Mãi cho đến khi dịch bệnh xuất hiện từ tháng 4 năm ngoái, chị dành nhiều thời gian ở nhà nên bắt đầu sáng tạo clip nhiều hơn. Được biết, nội dung chị xây dựng trên TikTok chủ yếu là thói quen tập luyện thể dục thể thao, các bài tập tại nhà để lan tỏa tinh thần tích cực đến người xem, đặc biệt là độ tuổi chị em phụ nữ từ 24-50 tuổi.
Chị cho biết trung bình mỗi ngày chị có khoảng 100 đơn hàng, sắp tới chị sẽ đặt mục tiêu khoảng 300-500 rồi 1000 đơn/ngày. “Tôi vừa nhận thông báo shop của mình sẽ có đội ngũ hỗ trợ từ TikTok vì tài khoản uy tín và có nhiều đơn hàng trong một thời gian ngắn. Đây là động lực để tôi mở rộng kinh doanh với các sản phẩm đa dạng hơn nữa”, chị tiết lộ. Hiện tại, sản phẩm chị đang kinh doanh gồm quần áo tập thể thao, dụng cụ tập tại nhà và mỹ phẩm, sắp tới chị Ngọc cho hay mình sẽ mở rộng mặt hàng kinh doanh thực phẩm hỗ trợ cho sức khỏe.
Trước mảnh đất màu mỡ TikTok Shop ngày càng mở rộng, chị Ngọc cũng nhấn mạnh để kiếm tiền từ TikTok không phải quá khó nhưng cũng không thể nói là đơn giản. Khi mình xây dựng được thương hiệu cá nhân, nhiều người càng biết đến, mình sẽ bán hàng dễ dàng hơn. Tuy vậy, nền tảng này cũng có nhiều luật rất chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người dùng nên việc đọc các chính sách và luật của TikTok cũng là điều quan trọng những người bán hàng cần chú ý, tránh vi phạm quá nhiều lần sẽ bị khóa tài khoản hoặc cấm kinh doanh.
Mọi thứ không phải màu hồng và ai cũng dễ làm giàu. Chị Ngọc cho biết rất nhiều lần chị tốn công vô ích như làm xong clip công phu mà bị vi phạm điều khoản, bị gỡ video, đăng sản phẩm không được phê duyệt hoặc khâu bán hàng gặp nhiều khó khăn khi giao hàng mà không không nhận, đơn bị hoàn lại.
Có dạo chị bị khóa hoàn toàn một tài khoản TikTok Shop dù đã bán trên 1.000 đơn vì vi phạm 48 lỗi từ bao giờ không biết. Ngoài ra, những lúc livestream bán hàng không ai mua, người khác vào thả lời khiếm nhã nữa nhưng chị nói 99% những ai kinh doanh qua mạng đều gặp phải. Áp lực nhập hàng về không bán được cũng là điều mà người kinh doanh trên mạng xã hội phải lường trước, chị Ngọc chia sẻ.
Không như là mơ
Cũng thử sức kinh doanh với TikTok Shop, anh Đặng Minh nhận định tay ngang vào nghề không phải ai cũng gặp may mắn, đơn về tới tấp như mơ ước. Anh cho biết mình chưa từng kinh doanh trước đây nhưng nhìn thấy nhiều người chỉ mất thời gian ngắn để có doanh thu khi mở cửa hàng trên TikTok, anh cũng muốn thử sức với mặt hàng đồ ăn vặt.
Anh đã dành thời gian 3-4 tiếng một ngày để cùng người nhà livestream nhưng liên tục mỗi lần không hơn 30 người xem. Ít người mua hàng, hàng tồn lại còn là thực phẩm nên rất khó bảo quản. Đặc biệt, người bán sẽ chỉ thu được tiền sau 10-15 ngày nên dễ bị "gãy" vốn. "Tôi cũng làm ăn nhỏ lẻ thôi nên không đủ để đầu tư mạnh hơn. Sắp tới tôi sẽ tìm hiểu thêm về cách thức tiếp cận cũng như làm sao để sáng tạo nội dung hút người xem hơn”, anh tâm sự.
Nhiều nhà bán hàng trên TikTok chia sẻ điều quan trọng để kênh được mọi người chú ý thì người chủ kênh phải có những video thu hút người dùng. Đó có thể là nội dung liên quan đến giải trí, hài hước, kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực nào đó, hay chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng. Nếu người sáng tạo chỉ làm video bình thường không thể thu hút người khác thì lượt quan tâm, tương tác kém, khó bán được hàng.
Ngoài ra, các chủ cửa hàng có thể sử dụng các sản phẩm mình bán và làm video một cách tự nhiên để người dùng thấy yêu thích và đặt mua bên cạnh hoạt động livestream liên tục đều đặn.
Để bán hàng trên TikTok, anh Minh tiết lộ chính anh đã phải thay đổi rất nhiều và luôn trong trạng thái tìm tòi, học thêm các chính sách, điều khoản mới liên tục được cập nhật. Đa số người mua tìm đến TikTok vì trải nghiệm mua sắm mới mẻ. Họ được trực tiếp coi sản phẩm mình chọn, yêu cầu người bán mô tả cụ thể nhất có thể về mặt hàng. Ngoài ra, chương trình trợ giá khuyến mãi từ TikTok cũng rất hấp dẫn, miễn phí vận chuyển liên tục làm người dùng thích thú và có sự tin tưởng hơn khi mua sắm qua kênh này.
Chị Hồng Trang ngụ TP Thủ Đức cho hay mình đã trở thành “fan” cứng và mua sắm thường xuyên ở TikTok hơn. “Trước đây tôi hay mua ở sàn Lazada, Shopee, nhưng từ ngày biết TikTok, tôi thật sự rất hứng thú và yên tâm hơn khi mua sắm. Tôi được quyền coi hàng qua màn hình điện thoại, dùng mã giảm giá và đặc biệt được kiểm tra hàng thấy ưng ý mới nhận. Càng mua TikTok lại càng cho nhiều mã giảm giá, điểm khác biệt hiện nay của kênh mua sắm này”, chị chia sẻ.
Tỉnh táo với các “biến tướng” câu view
Ngoài các doanh nghiệp, chủ cửa hàng tham gia sân chơi TikTok, một số người đã lợi dụng để sản xuất nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức, sức khỏe, gây hại hoặc phản ứng tiêu cực đến người xem nhằm mục đích tăng tương tác và lượt xem.
Đơn cử, tài khoản TikTok T.T với hơn hai triệu người theo dõi thường xuyên nhận ý kiến trái chiều về nội dung trên kênh của mình. Người dùng này nổi tiếng với loạt thử thách ăn ớt cay xé lưỡi, ăn ớt với tần suất khác người và ăn cay cấp độ "khủng" từ nhiều loại ớt cùng một lúc. Chủ tài khoản cũng thường xuyên livestream ăn cay dù nhận về bão dư luận từ cộng đồng mạng nhưng có tới vài ngàn người xem, T.T cũng đã mở cửa hàng trên ứng dụng này để kinh doanh.
Một số đối tượng khác cũng lợi dụng lòng thương người, họ làm những clip “xin ủng hộ mua hàng” vì gia cảnh gặp chuyện khó khăn, người thân bệnh tật để hút khách mua hàng của mình bất chấp việc làm câu view, nhận nhiều phản ứng gay gắt từ người xem.
Nhận định về sự lên ngôi xu thế kiếm tiền từ mạng xã hội, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Kỹ năng mềm trường Đại học Công Nghệ TPHCM, cho biết nếu nhìn nhận một cách khách quan, việc sử dụng mạng xã hội có sự phát triển so với quá khứ như một con dao hai lưỡi. Cụ thể, đây không đơn thuần là công cụ giải trí, tiếp cận thông tin mà còn là nền tảng để cá nhân có thể xây dựng thương hiệu, kiếm tiền.
Bên cạnh đó, số lượng bài đăng tin, tuyên truyền, video giải trí, bán hàng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cũng tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nếu không có cơ chế kiểm duyệt hiệu quả thì những sản phẩm rác có thể ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là trẻ dưới 18 tuổi.
Ông Nhân nhấn mạnh những nội dung rác sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc, thái độ và hình thành các hành vi sai lệch của người dùng. Từ đó về lâu dài sẽ có thể ảnh hưởng đến đạo đức và nhân cách người xem. Đặc biệt, khi đối tượng sử dụng chưa đủ tuổi thì nhận thức của họ còn non nớt, chưa thật sự vững vàng trước việc tiếp nhận, chọn lọc và sử dụng các thông tin, thì hậu quả trong tương lai thực sự đáng kể. "Ngoài ra, việc truyền thông, quảng bá cho những sản phẩm kém chất lượng sẽ còn gây hại đến sức khỏe của người mua các sản phẩm đó”, ông nói.
Một số biểu hiện tâm lý, nhận thức người trẻ có thể gặp phải khi liên tục tiếp nhận nội dung độc hại đó là nghiện sử dụng mạng xã hội, không có thời gian cho việc học tập, phát triển bản thân, làm việc hoặc xây dựng các mối quan hệ; “đu trend” (làm theo trào lưu) bất chấp nguy hiểm. Về Lâu dài, các hành vi không chuẩn mực sẽ có tác động và làm thay đổi đạo đức, nhân cách của người sử dụng, ông Trọng Nhân nói thêm.
Lời khuyên cho người trẻ khi tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội, ông Nhân cho rằng nên học cách tự bảo vệ bản thân khi sử dụng bất kỳ mạng xã hội nào trong thời đại hiện nay với nguyên tắc ba kiểm: kiểm soát thời gian, kiểm duyệt thông tin, kiểm tra độ an toàn. Riêng với người lựa chọn kinh doanh trên mạng xã hội cần chú ý nguyên tắc ba có: có kiến thức, có tâm, có trách nhiệm.
An Phú