Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) với sản phẩm xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau hai năm dịch bệnh.
- Giá xăng đắt đỏ khiến nhiều người chuyển sang dùng xe máy điện
- Hơn 50% tàu cá ở Quảng Nam ngừng hoạt động vì giá xăng dầu tăng cao
Chia sẻ với KTSG Online, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng về đề xuất phương án giảm thuế TTĐB với sản phẩm xăng và thuế GTGT với sản phẩm xăng, dầu để góp phần giảm giá hai mặt hàng này, qua đó hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh sau hai năm dịch bệnh.
Mức giảm cụ thể chưa được đại diện cơ quan này nêu rõ. Nhưng đây là tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý đã có những động thái mạnh hơn để kìm giá xăng dầu trong nước, hạn chế tác động của lạm phát với người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh giải pháp nói trên, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với nhóm sản phẩm gồm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12-2022 và giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng từ mức 20% xuống mức 12%.
Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện “gánh” khoảng 9.500-10.000 đồng thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường – tương ứng tỷ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%.
Trước đó, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đã được triển khai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục gia tăng khiến người dân và doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Điển hình là sự việc một nửa số tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao, theo phản ánh của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Vân Phong
Theo KTSG Online