(SGTT) – Xuất thân là người con miền Tây trong một gia đình thuần nông, anh Lê Chí Công, 28 tuổi, đã có bước rẽ sang nghề bếp từ những cơ cực thời tuổi thơ. Hiện anh đang là bếp trưởng hai nhà hàng Việt Nam tại Nhật Bản, cùng với hoài bão giới thiệu ẩm thực Việt đến người dân đất nước mặt trời mọc.
- Bếp trưởng đa tài Khoa Trần: “Tôi không muốn hòa tan trong giới ẩm thực”
- Bếp trưởng sáng tạo 15 loại sốt dành cho người nội trợ
- Bếp trưởng Patson Massey mang ẩm thực Ấn Độ đến Canada
Từ ngã rẽ con nhà nông...
Là người con thứ bảy trong một gia đình thuần nông tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, anh Chí Công từ nhỏ đã sớm biết tự lập, tiếp xúc với ẩm thực từ chính gian bếp gia đình. Do gia đình không mấy khá giả nên hết năm cấp 2, anh phải nghỉ học để đi làm, vừa phụ giúp gia đình, vừa tự lo cho bản thân.
Sau khoảng thời gian băn khoăn mình chọn nghề gì, anh cũng đưa ra quyết định theo đuổi nghề bếp bởi suy nghĩ đơn giản đi làm có tiền phụ giúp gia đình và được ăn ngon. Nghĩ là làm, anh quyết định rời quê lên TPHCM lập nghiệp, may mắn qua giới thiệu từ người quen, anh đã nhận được công việc phụ bếp cho một bếp ăn công nghiệp ở thành phố Thủ Đức vào tháng 10-2011.
“Lúc mới làm phụ bếp, tôi rất hào hứng mình sẽ được nấu nướng nhưng thực tế chỉ là những công việc không tên và có tên thì đơn giản là móc cống, dọn dẹp vệ sinh hay rửa chén. Có đôi lần không quen áp lực và môi trường, tôi đã từ bỏ về quê để chăm sóc vườn tược cho gia đình”, anh nhớ lại.
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời một thời gian anh nghĩ rằng mình còn trẻ, nếu chỉ tối ngày ra, vô vườn như vậy thì liệu có bảo đảm tương lai cho gia đình và bản thân, trong khi nghề bếp sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Nghĩ đến đó, anh quay trở lên TPHCM và tiếp tục từ bước đi nhỏ nhất, nghề phụ bếp.
Vừa đi làm nhiều nơi, vừa tích lũy kinh nghiệm, với anh Công như vậy vẫn là chưa đủ, vậy nên, anh đã đăng ký học thêm nghề bếp tại trường đào tạo ẩm thực để trang bị kiến thức vững chãi hơn.
Gần mười năm nỗ lực từ khi chọn nghề bếp, anh đã trải qua nhiều vị trí khác nhau như nhân viên bếp Công ty TNHH Gấc Đỏ (2012-2013); bếp chính Nhà hàng Hồng Hải vào tháng 2-2015; bếp trưởng Nhà hàng Gấc Đỏ vào tháng 4-2016… Cuối cùng, sau những nỗ lực trong công việc, trau dồi kinh nghiệm, anh đã đảm nhiệm vị trí tổng bếp trưởng Hệ thống Quán Bụi (TPHCM) từ tháng 10-2020. Hiện nay, anh đang là bếp trưởng Nhà hàng À Ơi (tỉnh Saitama, vùng Kanto) và Nhà hàng Hoàng Thơm (thành Phố cảng KoBe, Hyogo), Nhật Bản.
...Đến người thổi hồn món ăn Việt nơi đất Nhật
Nhắc về cơ duyên đến với Nhật Bản, anh Công cho hay lúc đó đang giảng dạy tại trường Đào tạo Bếp Vàng (quận Bình Thạnh) thì nhận được lời mời từ một chủ đầu tư ở Nhật khi họ liên hệ với trường. Qua trao đổi, anh thấy đây là cơ hội tốt để anh giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Suy nghĩ khoảng hai tuần, anh đưa ra quyết định cuối cùng là sang Nhật làm nghề bếp.
“Khi mới qua đây, tôi hơi băn khoăn về gia vị và nguồn nguyên liệu để nấu các món ăn Việt Nam sao cho đúng tinh thần. Dần dần, khi quen với môi trường sống, nghề bếp nơi đây thì tôi tự tin cho ra mắt những món ăn Việt Nam mang hơi thở quê nhà nơi đất khách”, anh Công cho hay.
Chia sẻ về văn hóa ẩm thực và sự khác biệt về nghề bếp ở hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản, anh Công cho hay đầu bếp ở Nhật họ rất kỹ tính và tác phong chỉn chu. Về gia vị, người Nhật ít khi dùng đến ớt cũng như các loại cây, thay vào đó, văn hóa ăn uống của họ nghiêng nhiều về các món ăn sống như sushi, sashimi.
“Có lẽ do đất nước của họ xung quanh toàn là biển cả, nguồn hải sản tươi sống, phong phú nên người dân có thói quen ăn thực phẩm tươi sống”, anh chia sẻ. Ngoài ra, với các món xào theo anh đầu bếp nơi đây cũng chế biến đơn giản với các sợi mì truyền thống như Udon, Soba, Somen…
Trả lời câu hỏi về phong cách ẩm thực anh chọn theo đuổi, anh Công trả lời dứt khoát: Fusion. Theo anh, từ lúc bắt đầu nghề bếp cho đến nay, anh có may mắn được tiếp xúc và học hỏi về nhiều nền văn hóa ẩm thực như Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp… nhưng anh quyết định chọn lọc những tinh hoa ẩm thực các quốc gia nước ngoài kết hợp với ẩm thực Việt để cho ra những món ăn Việt theo phong cách hiện đại hơn.
“Tôi theo đuổi phong cách fusion để giúp thực khách quốc tế (hiện nay là Nhật Bản) cảm giác gần gũi hơn với các món ăn Việt Nam. Ví dụ như món nghêu xúc bánh đa thay vì dùng nghêu của Việt Nam thì tôi dùng chem chép của Nhật Bản; ớt tươi tôi thay bằng ớt bột để hạn chế vị cay của ớt và trình bày trên đĩa men có màu nhẹ nhàng khi thưởng thức sẽ cảm được vị và phù hợp với người Nhật Bản”, anh cho hay.
Chia sẻ về món ăn Việt Nam tâm đắc nhất, anh cho biết đó là món cá hú kho tộ và canh chua. Theo anh, hai món ăn này mang phong vị thôn quê, với nguồn nguyên liệu dân dã nên thực khách khi thưởng thức sẽ phần nào cảm nhận rõ tâm tình mà người Việt gửi gắm vào đó.
Về thần tượng trong nghề bếp, anh chia sẻ mình rất ngưỡng mộ đầu bếp Goosen (Bỉ) và một đầu bếp ở Úc có tên Peter. ”Vì ngưỡng mộ đầu bếp người Úc mà tôi lấy tên Peter Cong, vừa tạo điểm nhấn cho mình vừa giúp mọi người nhìn nhận mình là một đầu bếp theo đuổi phong cách fusion”, anh cười nói.
Trải qua hơn 10 năm trong nghề bếp, anh cũng đã có cho riêng mình một số dấu ấn trong nghề như top 40 cuộc thi Top Chef năm 2019, thành viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Với định hướng mang món ăn Việt ghi dấu thêm trên bản đồ ẩm thực thế giới, anh cho hay sắp tới ngoài Nhật Bản, anh có thêm dự định đến quốc gia Úc để phát triển nghề nghiệp, nhưng trước đó sẽ là chuyến về lại Việt Nam, đi đến nhiều vùng miền để học hỏi các món ăn vùng miền, làm hành trang để mang “chuông ẩm thực đánh xứ người”.
Gia Hân