(SGTT) – Người dân Thái Lan lo ngại đón một cái Tết Songkran ảm đạm vì không có du khách. Các quy trình kiểm dịch và đón khách ở Thái Lan vẫn còn khá phức tạp, theo nhiều ý kiến của du khách Việt Nam.
- Du khách đến Thái Lan chỉ còn 5 ngày cách ly từ tháng 4-2022
- Mở cửa du lịch quốc tế nhưng thủ tục visa vẫn còn phức tạp
Theo Bangkok Post, trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA) mới đây ra thông báo cấm mọi hoạt động và sự kiện liên quan đến lễ hội Songkran (13 đến 15-4).
Đây là năm thứ ba liên tiếp người Thái đón một cái Tết buồn vì phải tuân theo các quy định phòng dịch. Đa phần cho rằng điều này đi ngược lại với mục tiêu đến ngày 1-7 sẽ xem Covid-19 là bệnh đặc hữu của chính phủ.
Songkran được xem là lễ hội chính và truyền thống của người Thái Lan, trùng với giai đoạn đức Phật được đản sinh. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái quy định Tết Songkran bắt đầu từ ngày 13-4 và kết thúc vào 15-4 theo Dương lịch. Trong đó, nghi lễ té nước mang lại niềm vui, sự thích thú cho du khách đến từ nhiều quốc gia.
Thay vì giận dỗi, du khách sẽ “tự vệ” bằng súng nước chuẩn bị trước. Không có những lời trách móc, những gương mặt cau có, mà chỉ có những tiếng cười với bộ đồ ướt sũng bởi họ hiểu tại sao mình đến đất nước này vào thời tiết nóng nực của tháng 4.
Theo ông La-Iad Bungsrithong, chủ tịch chi hội phía bắc của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, đây là năm thứ ba liên tiếp Chiang Mai có một Songkran yên tĩnh. Những nghi lễ truyền thống vẫn được giữ nguyên nhưng chính phủ hạn chế tổ chức các sự kiện giải trí, tiệc tùng, hòa nhạc.
Mặc dù nhiều khách sạn ở Bangkok và Chiang Mai đã niêm yết giá từ 1.800 đến 3.000 baht (1.000.000 - 2.000.000 đồng) kèm các dịch vụ ưu đãi khác, tuy vậy, du khách vẫn “bặt tăm”, ông buồn bã cho biết.
Hướng dẫn viên Phạm Duy Việt vẫn còn nhớ cái Tết Songkran vui vẻ cùng bạn bè khi du lịch hay dẫn khách tham quan Thái Lan trước Covid-19. Mặc dù đã đến đây nhiều lần, anh vẫn muốn mời bạn bè và gia đình bay sang tham gia lễ hội té nước vui nhộn này, tuy vậy bản thân anh phân vân vì quy trình kiểm dịch, bao gồm yêu cầu xét nghiệm PCR và kiểm soát đi lại của du khách ở Thái Lan có phần khắt khe.
Dù bạn chọn chương trình Test & Go hay Sandbox, mọi hoạt động đi lại và sinh hoạt của bạn sẽ bị hạn chế từ lúc bước xuống sân bay, trải qua quy trình kiểm soát bệnh và lưu trú do SHA quy định…
Theo Thaiger và Bangkok Post, từ 1-4, du khách mất 300 baht (khoảng 200.000 đồng) cho bảo hiểm và các dịch vụ khẩn cấp, cũng như phát triển du lịch theo quy định của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan.
Như Ngọc, nhân viên bán tour của công ty du lịch Triều Hảo, cho biết vì hầu hết các thị trường du lịch nước ngoài đã "đóng băng" hơn hai năm qua, nên khi "băng tan", nhu cầu đi du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam tăng lên thấy rõ.
Tuy nhiên, đa phần du khách hỏi tour đều thắc mắc vấn đề xin giấy thông hành (Thailand Pass) bên cạnh đó là chi phí xét nghiệm PCR (tùy nơi lưu trú của du khách ở tỉnh, thành phố ở Việt Nam, hay xét nghiệm từ nước ngoài về), chi phí cách ly, nếu cộng thêm phí du lịch bắt buộc khi nhập cảnh Thái Lan thì chi phí tour khá cao. Trăn trở đó của khách hàng khi hỏi tour Thái trong giai đoạn này là điều dễ hiểu.
"Hiện chính phủ Thái Lan đang xem xét bỏ áp dụng xét nghiệm Covid-19 72 giờ từ 1-4. Đây có lẽ là điều không chỉ tôi mà bạn bè hay khách hàng, những ai muốn đến Thái lần đầu hay quay lại đều mong chờ nhất", chị nói.
Thêm nữa, vấn đề bảo hiểm xã hội được du khách quan tâm nhất. Gói bảo hiểm du lịch có giá trị bồi thường ít nhất 20.000 USD, trong đó bao gồm chi phí điều trị Covid-19.
Theo thông tin mới nhất từ Thaiger, từ 1-4, Thái Lan giảm thời hạn cách ly 10 ngày xuống còn năm ngày cho du khách. Tuy vậy, hầu hết những ai hỏi tour đến Thái thời điểm này đều rất muốn biết bảo hiểm du lịch sẽ chi trả ra sao nếu bản thân bị dương tính. Từ những lo lắng đó, họ cần quan sát và chờ đợi thông tin du lịch trên các trang web chính thống của "xứ chùa vàng".
Với anh Phạm Duy Việt, Thái Lan là một điểm đến gần Việt Nam theo đúng nghĩa: khoảng cách gần và văn hoá cũng gần giống nhau. “Thời gian hai năm qua thật sự là một hụt hẫng rất lớn trong quá trình làm nghề du lịch của tôi. Thái Lan với tôi không chỉ là điểm đến trong lịch trình tour mà có thể xem là ngôi nhà thứ hai”, HDV có kinh nghiệm chín năm cho hay.
Theo dõi tình hình du lịch tại nước bạn hơn hai năm qua, anh Việt cảm thấy nuối tiếc về sự kết thúc của Sri Racha Tiger Zoo, nơi du khách Việt Nam rất thích thú tìm hiểu về các loài động vật ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, khi thủ đô Bangkok trở lại tên đầy đủ của nó, anh Việt cho rằng đây là một điều hiển nhiên vì cái tên Krung Thep Maha Nakhon bao hàm nhiều ý nghĩa về chính trị, văn hóa lịch sử của quốc gia này.
"Điều tôi mong mỏi bây giờ là Việt Nam và Thái Lan thông thoáng hơn nữa trong các quy định đón khách để tôi cùng đồng nghiệp hành nghề trở lại”, anh Việt chia sẻ.
Thanh Thu