Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Trào lưu kinh doanh ăn uống trong chung cư: không tốn mặt bằng, kiếm tiền đều tay

(SGTT) – Ai sống ở chung cư sẽ không còn xa lạ mô hình cư dân tự kinh doanh tại nhà phục vụ người dân trong nội khu. Ghi nhận tại nhiều chung cư lớn nhỏ tại TPHCM, xu hướng buôn bán online ngày càng nhộn nhịp và dần trở thành mảnh đất màu mỡ.

Tiện trăm bề khi mua sắm tại chỗ

Sau khi thuê căn hộ 2 phòng ngủ trong chung cư Vinhomes, anh Phú Vinh (ngụ TP Thủ Đức) tìm kiếm thêm nguồn khách hàng trong nội khu ngoài những mối quen đã bán hàng trước đây. Anh cho biết vì muốn mở quán làm chủ nhưng chưa có nhiều thời gian quản lý và tiền vốn, anh quyết định thử đăng bài trên các hội nhóm mạng xã hội để lên đơn mỗi ngày.

“Tôi vốn là dân lập trình, ngày đi làm tám tiếng nên để làm chủ một quán ăn hẳn hoi tôi vẫn chưa sắp xếp được thời gian cũng như quy trình quản lý, nhân lực. Khi sống ở các chung cư, tôi nhận ra nhiều gia đình có người ở nhà sẽ tìm công việc bán hàng online rất tiện, nguồn khách có sẵn và hầu như không phải di chuyển xa để ship hàng. Vậy là tôi cũng bắt tay vào làm thử khi được làm việc từ xa trong mùa dịch”, anh chia sẻ.

Trang bán hàng online trong chung cư. Ảnh: Group chợ nội khu VHGP

Anh cho biết sau khi khảo sát, anh nhận ra nhiều cư dân có nhu cầu mua hàng đặc biệt là đồ thực phẩm chế biến sẵn rất cao như món ăn vặt, món ăn no, trà sữa, chè, bánh ngọt… Theo anh, đa số người dân đều sống tập trung thành từng tòa và phân chia khu rõ ràng nên khuôn viên bên trong rộng, muốn mua gì cũng khá bất tiện vì phải di chuyển xa, lấy xe dưới tầng hầm chứ không như nhà đất. Anh nói thêm “Nếu hôm đó không tiện nấu ăn hoặc lười ra ngoài mua, khách hàng sẽ thường xuyên lên các group và tìm xem ai bán gì để đặt món. Cửa hàng tiện lợi thì nhiều nhưng không đa dạng món ăn như bên ngoài nên lên mua sắm chợ online là lựa chọn hợp lý”.

Nắm được tâm lý chung, anh Vinh dùng thế mạnh đứng bếp chính của mình để làm một số món như mì ý, cơm trộn… bán online. Anh Vinh cho hay quy trình bán hàng online bắt đầu khi anh đăng bài lên group, chăm tương tác bài đăng, đợi khách lên đơn, anh chốt đơn, làm món và đi giao trong nội khu. “Để tăng thêm sự thu hút, tôi luôn miễn phí giao hàng trong khuôn viên chung cư, món ăn giá bằng thậm chí rẻ hơn bên ngoài vì tôi chưa tốn nhiều chi phí mặt bằng hay nhân viên nên nhiều cư dân ưa thích lựa chọn. Vậy là trong một ngày làm việc công ty tại nhà, tôi cũng có thể kiếm thêm số tiền vài trăm nghìn, những ngày cuối tuần có khi lên đến tiền triệu”, anh giải thích.

Chị Nguyễn Yến Nhi là cư dân thường xuyên dạo chợ online cho hay dịch vụ giao hàng qua các ứng dụng (app) đôi khi tính phí rất cao và phải chờ đợi vận chuyển lâu. “Vì tình hình dịch bệnh cũng còn phức tạp nên tôi ngại tiếp xúc với các anh xế nên chọn mua các anh chị bán trên group cho an tâm hơn, tiện đôi đường như giá rẻ hơn, món ăn cũng đa dạng không kém, ngồi trong điều hòa có món ngon ngay. Tôi vừa mua hai phần hủ tiếu lấy tại sảnh G cho hai mẹ con, vậy là xong buổi trưa”, chị nói.

Tấp nập kẻ bán, người mua

Cùng ý tưởng với anh Vinh, chị Phan Thị Hoa đã có hơn hai năm kinh nghiệm bán hàng tại chung cư cho biết nhờ nền tảng mạng xã hội và các hội nhóm có thành viên cư dân, chị dễ dàng tiếp cận đến nguồn khách hàng mà không tốn nhiều chi phí.

“Sau khi có con nhỏ, tôi chọn ở nhà để dễ bề chăm con, nhưng đảm bảo kinh tế thì vẫn phải làm việc thêm tại nhà, sẵn có tay nghề nấu ăn, tôi thử bán trà sữa trước, khi nhận phản hồi tốt từ khách hàng, tôi đăng bán thêm nhiều món như pizza, bánh ngọt… và kiếm được gần cả trăm đơn giao trong khu mỗi ngày. Tiền kiếm đều tay nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn”, chị nhấn mạnh.

Đơn trà sữa giao trong chung cư. Ảnh: FBNV

Chị Đỗ Nga, cư dân bán đồ giải khát, cho hay những ngày đầu đăng hàng bán vì chưa xây dựng được uy tín cũng như chưa có nhiều phản hồi tin cậy, có ngày lèo tèo chỉ vài đơn giao khung giờ khác xa nhau.

“Khách nổ đơn giờ nào tôi phải làm giao ngay chứ không sẽ mất khách nên khi vướng tay việc gì cũng phải bỏ dở, hoặc những ngày đơn đến tấp nập, một mình tôi xoay không nổi lại sót đơn, thiếu đơn của khách cũng bị phàn nàn ngay”, chị tâm sự.

Trên chợ online không giới hạn người bán nên tiểu thương 4.0 cũng thường xuyên gặp tình trạng trăm kẻ bán nhưng chỉ vài người mua, dù vậy khi quyết định kinh doanh ẩm thực ngay khu vực mình sống, người bán nên xác định đi đường dài và bền bỉ mỗi ngày.

Kinh doanh tại nhà không tốn mặt bằng, tiền nhân viên lại dễ dàng quản lý được giờ giấc, có thể nghỉ bán bất cứ lúc nào đem lại nguồn lợi không tưởng với nhiều hộ gia đình, cư dân trong chung cư. Nhiều mẹ bỉm sữa cho rằng đây là cơ hội họ thử sức với kinh doanh ẩm thực để tiếp tục mở rộng, đầu tư hơn về sau.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân thận trọng...

0
(SGTT) - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao...

Nhiều người Việt mua hàng online qua đề xuất của AI

0
(SGTT) - Có đến 88% người tham gia khảo sát ở Đông Nam Á gồm cả người Việt Nam đưa ra quyết định mua...

Thương mại điện tử và nỗi lo 800.000 tấn rác thải...

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây và dự báo còn...

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Thương mại điện tử hàng xa xỉ trong cơn suy thoái

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử chuyên về thương hiệu thời...

‘Tảng băng chìm’ sau những phiên livestream bán hàng chục tỉ

0
(SGTT) - Gần đây lướt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không khó để bắt gặp những kênh bán hàng trên sóng...

Kết nối